Mùa thu hoạch “lộc nhung” ở thủ phủ nuôi hươu tại Hà Tĩnh

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm bắt đầu vào mùa thu hoạch nhung hươu ở huyện miền núi Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Lộc nhung được cắt từ sau Tết và kéo dài đến tháng 6 Âm lịch, nhưng rộ nhất vào khoảng tháng Giêng cho đến tháng Ba.

Rộn nàng mùa cắt nhung

Những ngày này, các thôn xóm tại huyện miền núi Hương Sơn lại râm ran câu chuyện thu hoạch nhung hươu. Dọc đường không khó để bắt gặp những nhóm người đi cắt lộc nhung.

z3318956744977-f7a14c912fc3541895ba59eb7c025d4c-1-1677721525.jpg

Được thuần hóa từ thế kỷ 18, tuy nhiên trước đây, hươu là vật nuôi “quý tộc” cả các gia đình khá giả. Nhưng từ những năm 1990 đến nay, hươu được nuôi phổ biến, và ngày càng được nhân rộng, trở thành vật nuôi chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung, nhưng giờ đây họ đã có cách chăm sóc hươu để thu mỗi năm 2 lứa, với mỗi cặp bình quân từ 0,6 - 1,2kg, cá biệt hươu khoẻ có thể cho cặp lộc nhung nặng vài kg.

Đến mùa cắt lộc, khách hàng trong và ngoài địa phương vào tận nơi lựa chọn, ngã giá cho cặp lộc nhung trên đầu con hươu. Khi khách và gia chủ thỏa thuận xong, gia chủ sẽ bắt đầu tiến hành cắt lộc để giao cho khách. Theo các hộ nuôi, cặp lộc nhung đẹp nhất phải đạt trọng lượng dao động nặng từ 0,8kg đến 1,2kg.

huou-4-1677721936.jpg
Con hươu có cặp nhung "khủng" nhất Hà Tĩnh đến thời điểm hiện tại.

Mùa cắt lộc nhung ở đây bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, kéo dài đến hết tháng 6 âm lịch, nhưng rộ nhất vào khoảng tháng Giêng - Ba.

Chia sẻ cùng PV, anh Nguyễn Văn Bằng, (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) cho biết: Gia đình tôi nuôi 10 con hươu, trong đó có 5 con lấy nhung. Hươu nuôi sau một năm là có thể thu hoạch lộc. Người nuôi sẽ phải theo dõi chu kỳ phát triển của nhung từ 40 - 50 ngày. Đặc biệt, việc cắt nhung phải đúng ngày tuổi, nếu để quá già hoặc quá non sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhung hươu. Ngày nay, nhờ được chăm sóc tốt nên mỗi năm chúng tôi cắt lộc nhung 2 lần.

z3318955841848-68d392f65cec24023638e1f06c5bf526-1-1677722038.jpg
Người dân chuẩn bị cắt nhung hươu.

Còn gia đình anh Phan Văn Luật (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn) nuôi 55 con hươu; mỗi năm cắt khoảng 10 - 12kg nhung hươu.

Theo đó, lộc nhung hươu chính là sừng non của con hươu đực. Trung bình lộc nhung giá dao động từ 10 - 12 triệu đồng/kg. Có những cặp nhung khủng sẽ bán được giá cao hơn. Hiện nay, nhiều hộ nuôi hươu đã chế biến nhung thành các sản phẩm tiện lợi để chăm sóc sức khỏe nên có bao nhiêu sản phẩm cũng tiêu thụ hết.

Dịch vụ cắt nhung thuê đắt khách

Trước đây, người dân nơi đây thường tự cắt nhung và nhờ nhau giữ hươu để cắt lộc nhung với gia đình mình.

z3318955845303-205e58044f3fc117518aefcf8984f8f0-1-1677722073.jpg
Cắt nhung hươu cũng cần có kinh nghiệm, sự khéo léo.

Ngày nay, nghề nuôi hươu phát triển mạnh đã hình thành nên những tốp thợ chuyên đi cắt lộc nhung cho các chủ hộ nuôi hươu với giá dao động mỗi cặp từ 200 - 300 ngàn đồng. Theo người dân nơi đây, để cắt được cặp nhung trên đầu hươu, thường có 6 - 7 người cùng lao vào thực hiện ngay thao tác khống chế hươu. Việc khống chế và cố định hươu phải nhanh và đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi. Đây là công đoạn khó nhất vì hươu là loài vật rất nhanh nhẹn, bộ móng guốc rất sắc. Nếu không phối hợp nhịp nhàng sẽ làm gãy chân hươu hoặc bị hươu đạp vỡ bụng, rách mặt. Để tránh hươu quật trong quá trình cắt nhung, người thợ còn sử dụng bộ khóa mõm tự chế để giữ chặt đầu hươu. Khi con hươu đã được giữ chặt, người thợ dùng lưỡi cưa sắc bén cắt nhung. Khi cắt nhung người thợ phải cắt thật nhanh, lúc gần đứt thì phải cưa chậm lại.

Anh Trần Minh Giang (xã Sơn Giang, Hương Sơn) một người đi chuyên đi cắt nhung hươu thuê cho biết: "Công việc cắt nhung hươu tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, nhanh nhẹn và có kỹ năng giữ hươu, vật hươu ngã xuống mới làm được. Đội cắt của tôi có 3 người, trung bình mỗi ngày cắt 8 - 10 cặp. Mỗi ngày các thành viên thu nhập từ 800.000 - 1 triệu đồng/người".

z3318955845858-0592c93bfba4409b4e155c957a205b3b-1677722121.jpg
Những dụng cụ để cắt nhung hươu.

Theo đó, đồ nghề dùng cắt nhung hươu bao gồm: Một sợi dây dù để giật và giữ chân phía sau của hươu, một lưỡi cưa, một miếng ván có đóng vòng thép, một cây sào nứa để đưa dây thòng lọng vào chuồng cho hươu giẫm.

Sau mỗi lần cắt, để đảm bảo sức khỏe cho hươu, cũng như để nhung tái tạo cho lần cắt tiếp theo, người ta sử dụng một số loại lá rừng gia truyền được sơ chế đắp lên chỗ cắt, trước khi dùng gạc hoặc vải sạch bịt ngoài thật chặt.

Vị trí cắt nhung cách gốc đế khoảng 1cm. Khi cắt người thợ phải đảm bảo vết cắt phải bằng để dễ dàng thực hiện "bọc nhung" giúp nhung tái tạo cho lần cắt tiếp theo.

Buổi thu hoạch nhung thường kết thúc bằng bữa tiệc nhẹ của gia chủ có rượu huyết hươu đỏ thắm mời những người cắt lộc và làng xóm.

f9f9a9da7355bf0be644-1677722267.jpg
Nhung hươu được người dân chế biến thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, toàn huyện Hương Sơn hiện có hơn 9.600 hộ chăn nuôi với khoảng 41.080 con hươu. Ước tính năm 2022, có hơn 22 nghìn con hươu cho thu hoạch nhung, với sản lượng đạt khoảng trên 15 tấn, giá bình quân 12 triệu đồng/kg, người nuôi hươu thu về khoảng 180 tỷ đồng. Địa phương chúng tôi xác định chăn nuôi là trọng điểm trong phát triển kinh tế, trong đó nuôi hươu là chủ lực, vì vậy huyện đang có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát triển đàn hươu. Huyện sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi cơ sở chăn nuôi mới với quy mô trên 50 con để mua giống và xây dựng chuồng trại. Với các hộ chăn nuôi nhỏ từ 10 con trở lên, huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/con.

Nhung hươu Hương Sơn được biết đến là một trong bốn vị thuốc đại bổ cho sức khỏe con người. Năm 2019, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu.

Nguyễn Duyên