Hà Tĩnh: Mở rộng áp dụng gieo mạ khay, máy cấy trong sản xuất vụ xuân 2024

Hiện nay, bà con nông dân Hà Tĩnh đang tích cực triển khai sản xuất vụ lúa Xuân 2024. Nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ áp dụng phương thức làm mạ khay để sử dụng máy cấy.
z5066780631777-3f5ee3dd2a1fc175e4045f702fd6b733-1705315433.jpg
Mở rộng áp dụng sản xuất mạ khay, cấy máy trong sản xuất vụ Xuân 2024 tại tỉnh Hà Tĩnh.

Đưa máy cấy vào sản xuất giúp giảm chi phí

Ông Trần Văn Quyết - Thôn Bình Quang (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) là một trong những hộ dân có diện tích sản xuất lúa hữu cơ áp dụng máy cấy chia sẻ: Gia đình có hơn 1 mẫu lúa (10 sào), trước đây mỗi khi đến vụ cấy gia đình rất vất vả, lo lắng vì tìm thuê người cấy rất khó khăn, chi phí lại cao.

Nếu thuê cấy 1 sào lúa bằng tay cộng với tiền mua giống và các chi phí đầu tư khác tốn khoảng 480.000 đồng. Vụ Hè Thu vừa rồi tôi chuyển sang sử dụng mạ khay, cấy bằng máy trên diện tích 5 sào. Việc cấy lúa bằng máy giúp gia đình tôi giảm được 100.000 đồng/sào, tổng cả vụ cấy là 500.000 đồng, đặc biệt lại không mất nhiều công sức so với phương thức sản xuất truyền thống. Vì thế vụ xuân này, tôi quyết định áp dụng mạ khay đưa máy cấy vào sản xuất trên toàn bộ diện tích của gia đình.

Là đơn vị tham gia liên kết sản xuất cung ứng mạ khay, thời điểm này HTX Trung Hòa, đang tập trung triển khai quy trình sản xuất, chăm sóc và tập kết mạ khay tại xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) để kịp cung ứng cho các địa phương đã đăng ký sản xuất vụ Xuân 2024 khi sắp bước vào thời vụ sản xuất.

4-3-1705315479.jpg
Những ruộng lớn được áp dụng máy cấy.

Bà Võ Thị Thanh Hòa - Gám đốc HTX Trung Hòa cho biết: Năm nay, các địa phương đẩy mạnh tích tụ, chuyển đổi ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn, nên tạo thuận lợi cho việc áp dụng máy cấy vào sản xuất. Chính vì vậy, diện tích đăng ký sản xuất mạ khay cũng tăng lên. Đến thời điểm này, mới đầu vụ nhưng HTX đã sản xuất được gần 10.000 khay mạ, để cung cấp cho các địa phương cấy trên diện tích khoảng 40 ha. Con số này dự kiến sẽ tăng lên nhiều trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Viết Xuân - Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Can Lộc chia sẻ: Thời điểm này, ngoài chỉ đạo bà con sản xuất tuân thủ khung lịch thời vụ gieo cấy lúa vụ Xuân 2024, huyện đang tích cực vận động, tuyên truyền bà con áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật làm mạ khay áp dụng máy cấy trên diện rộng.

Được biết, đây là năm thứ 3 huyện Can Lộc áp dụng sản xuất mạ khay, cấy lúa bằng máy. Với hiệu quả mang lại, năm nay, không chỉ các địa phương trên địa bàn huyện đăng ký làm mạ khay mà các địa phương khác như: Lộc Hà, Nghi Xuân, Thành Phố Hà Tĩnh… cũng đã đăng ký với diện tích mỗi địa phương từ 5 - 10 ha. Điều đáng nói, việc sản xuất mạ khay chủ yếu phục vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để tạo sản phẩm an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

3-1-1705315489.jpg
Những khay mạ được chuẩn bị để đưa ra ruộng cấy.

Còn tại huyện Cẩm Xuyên, từ hiệu quả mô hình thí điểm sản xuất mạ khay, cấy máy trong vụ Hè Thu năm 2023, vụ Xuân năm 2024 này, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất mạ khay và đưa máy cấy vào áp dụng để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng những giống lúa chất lượng cao như Hương Bình, ST25 với tổng diện tích trên 100 ha.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Để thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp từ thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa, huyện Cẩm Xuyên đã tăng cường công tác tuyên truyền chỉ đạo các địa phương ngoài áp dụng máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm rạ sau thu hoạch, gần đây, huyện đang triển khai xây dựng mô hình sản xuất mạ khay, sử dụng máy cấy sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Từ đó, tạo sự liên kết và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp.

Từ triển khai thí điểm mô hình áp dụng mạ khay, máy cấy trên diện tích 8 ha trong vụ Hè Thu năm 2023 tại xã Cẩm Bình; vụ Xuân 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng ra các địa phương khác như xã Nam Phúc Thăng, xã Cẩm Vịnh, xã Yên Hòa, xã Cẩm Quang… với tổng diện tích trên 100 ha. Đến thời điểm này đã có gần 30.000 khay mạ được gieo bằng máy, chăm sóc, kiểm tra kỹ lưỡng, chất lượng đảm bảo sẵn sàng đưa xuống cấy bằng máy tại các địa phương đã đăng ký.

Mạ khay cấy máy đem lại lợi ích kép

Thực tế cho thấy, áp dụng phương pháp mạ khay, máy cấy có nhiều ưu việt, đó là tiết kiệm được lượng giống khoảng 30%, mạ khay sản xuất bằng máy được chăm sóc tốt hơn, cho cây khỏe, độ đồng đều cao. Khi áp dụng phương thức cấy bằng máy sẽ hạn chế được cỏ dại, mật độ đảm bảo, ruộng thông thoáng, bảo đảm lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo. Không những vậy mà còn giải phóng được sức lao động cho người nông dân, giảm chi phí ngày công lao động.

z5066780629478-3b6d6eae4c2c9cd3c6ea76362b920a64-1705315498.jpg
Việc sản xuất mạ khay để cấy máy ngày càng được nhiều hộ nông dân áp dụng trong sản xuất.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng mô hình cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Từng bước giúp cho nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún.

ma-khay-hatinh-1705315453.jpg
Sản xuất mạ khay để cấy vụ Xuân 2024 tại hà Tĩnh.

Việc áp dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy ở một số địa phương sẽ là tiền đề để làm cơ sở nhân rộng trong những năm tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh, phù hợp với mục tiêu của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nâng cao giá trị, gia tăng chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời không làm ảnh hưởng đến đất đai, môi trường và sức khỏe con người.

Theo ông Nguyễn Minh Duyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: Với phương pháp gieo cấy truyền thống, bà con nông dân vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc trừ cỏ. Với việc triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng kỹ thuật mạ khay, cấy máy, địa phương đang từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa vào gieo cấy để giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm lúa gạo hữu cơ chất lượng cao để phục vụ thị trường. Từ mô hình thí điểm này, xã sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

z5066780660960-492d9bf4ac5b47e68dc7594e2206d055-1705315506.jpg
Việc sản xuất mạ khay, cấy máy mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, từ năm 2022, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn có nhiều bước đột phá, phát triển theo hướng chuyển đổi, quy hoạch bài bản vùng trồng gắn với cấp lại chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, giảm số thửa trên diện tích và đảm bảo mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa lớn, tiến tới tập trung, tích tụ ruộng đất. Cùng với đó là việc áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất cũng ngày càng được người dân áp dụng rộng rãi hơn. Cuộc cách mạng này cũng đang được thực hiện quy mô ở các huyện trọng điểm sản xuất lúa như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Đức Thọ…

Để khuyến khích nhân rộng cũng như giúp bà con hiểu được giá trị lợi ích mang lại khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tại các địa phương đã có chính sách hỗ trợ về giá mua mạ, thuê máy cấy, và kêu gọi doanh nghiệp liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời cũng yêu cầu đơn vị liên kết hỗ trợ bà con nông dân trả chậm chi phí đầu vào về giống, vật tư, sau khi thu hoạch lúa, đơn vị thu mua mới thanh toán./.

Nguyễn Duyên