Hà Nội: Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Tầm nhìn của Thành phố Hà Nội về phát triển văn hóa, phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dài hơi hơn và đã cập nhật tiến bộ nhất của văn minh nhân loại… Từ đó, khơi gợi, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Ngày 28/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" (Chương trình 06) tổ chức hội nghị tổng kết chương trình.

hoi-nghi-tong-ket-chuong-trinh-06-ha-noi-1-1743165714.jpg
Hội nghị tổng kết Chương trình số 06-CTr/TU giai đoạn 2021-2025". (Ảnh Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội)

Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII.

Huy động được các nguồn lực từ xã hội cùng tham gia phát triển công nghiệp văn hóa

Chương trình 06-CTr/TU giai đoạn 2021-2025 được ban hành với 18 chỉ tiêu, 51 đề án, kế hoạch; 22 dự án, nhóm dự án tập trung 3 nội hàm chương trình là Phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Đến nay, 18/18 chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành kế hoạch hằng năm, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Chương trình 06 tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng các nội dung cụ thể như xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng với các mô hình thôn, tổ dân phố "5 không, 3 sạch;” xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng môi trường văn hóa học đường...

Bên cạnh đó, Chương trình 06 cũng triển khai thực hiện gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo. Thành phố đã tổ chức 4 lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO...

Thành phố đã huy động được các nguồn lực từ xã hội cùng tham gia phát triển công nghiệp văn hóa và đạt kết quả tích cực. Ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm.

Thành phố cũng vinh dự nhận được nhiều giải thưởng điểm đến văn hóa, du lịch hàng đầu Việt Nam và châu Á do Tổ chức World Travel Awards trao tặng; khẳng định vị thế, hình ảnh và thương hiệu du lịch Hà Nội trên trường quốc tế, hướng tới thu hút phục hồi du khách nước ngoài đến Thủ đô trong những năm tới.

Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Thành phố đã chỉ đạo, triển khai xây dựng nhiều mô hình mới, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn; tập trung đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá...

Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 đạt 99,45% xếp thứ 24 toàn quốc; đến năm 2024 đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm 2021).

Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc. Học sinh Thủ đô tiếp tục đạt thành tích nổi bật, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước với nhiều giải quốc gia, quốc tế trong các kỳ thi, cuộc thi...

hoi-nghi-tong-ket-chuong-trinh-06-ha-noi-2-1743165759.jpg
Các đại biểu tham quan không gian văn hóa trước thềm Hội nghị tổng kết Chương trình số 06-CTr/TU. (Ảnh Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội)

Thành ủy đặc biệt quan tâm việc xây dựng người Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây được xem là 1 trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ thành phố đề ra và được các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân vào cuộc, đồng tình hưởng ứng.

Việc đưa các quy tắc ứng xử vào cuộc sống, tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô. Nhiều mô hình, phong trào hay đã được thực hiện như mô hình “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc” ở khu dân cư bàn về các giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, thực hiện chăm lo đảm bảo an sinh xã hội…

Thành phố tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh trong các trường phổ thông. Chất lượng mô hình văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học được nâng cao thông qua đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” và bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục. Một số nơi tổ chức thực hiện các nội dung hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; sự phối hợp của một số cơ quan, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, hiệu quả; chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời...

Cụ thể hóa các vấn đề văn hóa gắn với mục tiêu phát triển của thành phố

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh Chương trình 06-CTr/TU là chương trình kế tiếp của nhiều chương trình trước đó về văn hóa, con người, nguồn nhân lực. Đặc biệt, đây là 1 trong số ít chương trình có đẩy đủ nhất các cơ chế, chính sách, quan điểm chỉ đạo về mặt chính trị, pháp lý và nguồn lực.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, Chương trình 06 giai đoạn 2021-2025 thực hiện trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch Covid-10, song Hà Nội đã triển khai hiệu quả Chương trình, đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Từ TP phố đến cơ sở cơ nhận thức sâu sắc, toàn diện; có được sản phẩm cụ thể, khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị thế của Hà Nội nhất là về năng lực tổ chức các sự kiện lớn, có quy mô quốc tế.

hoi-nghi-tong-ket-chuong-trinh-06-ha-noi-3-1743165827.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội)

Các sản phẩm văn hóa đã đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa - xã hội cũng như định hướng phát triển trong tương lai gần và dài hạn, góp phần khơi nguồn sáng tạo trong xã hội, các tầng lớp Nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sỹ, các làng nghề và đặc biệt trong giới trẻ. Nổi bật, những tư tưởng, định hướng lớn về con người Hà Nội đã được cụ thể hóa vào tư tưởng, quan điểm, triết lý quy hoạch Thủ đô.

Tầm nhìn của TP về phát triển văn hóa, phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dài hơi hơn và đã cập nhật tiến bộ nhất của văn minh nhân loại… Từ đó, khơi gợi, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Ngoài ra, đã bước đầu ứng dụng CNTT trong số hóa, ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, văn hóa, đặc biệt là số hóa các di tích, di sản văn hóa phi vật thể…

hoi-nghi-tong-ket-chuong-trinh-06-ha-noi-5-1743165703.jpg
Thành phố đã huy động được các nguồn lực từ xã hội cùng tham gia phát triển công nghiệp văn hóa và đạt kết quả tích cực. Ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm. (Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh chưa bao giờ TP có những điều kiện thuận lợi như hiện nay, nhưng cũng đang ở thời khắc đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng về về chuyển đổi số, sắp xếp các đơn vị hành chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, phải xác định văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng, sắp xếp đơn vị hành chính mới, phải cụ thể hóa những vấn đề văn hóa, giáo dục, du lịch vào các quy hoạch, mục tiêu phát triển của Thành phố.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, thúc đẩy hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trong nước và quốc tế để làm phong phú, khơi nguồn, cập nhập. Phát triển vốn quý văn hóa của Thủ đô - để văn hóa thành một nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô- Văn hiến-Văn minh-Hiện đại- Người dân hạnh phúc, một điểm đến của quốc tế./.

Bình Châu