Quảng cáo #128

Hà Nam:

Những kết quả tích cực từ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” tại huyện Kim Bảng

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ. Với mục tiêu phát triển sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống và cải thiện đời sống người dân. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương và doanh nghiệp.

Từ năm 2018 huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam đã triển khai mạnh mẽ đồng bộ từ cấp huyện đến cơ sở theo chương trình hàng năm gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15 - NQ/ TU ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Tỉnh uỷ Hà Nam về việc đẩy mạnh cơ câu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở ngành, phòng, ban, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức thực  hiện hiệu quả đúng tiến độ.

Tính đến nay ngày 25/12/2024 huyện Kim Bảng đã có 8 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, có 7 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của địa phương trong việc nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng. Với thế mạnh về nông lâm nghiệp thuỷ sản và các sản phẩm truyên thống thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, thêu dệt như các sản phẩm bình rượu rồng phương, gốm Quyết Thành, HTX thuỷ sản sông trong ao Hải Đăng, HTX nuôi ong Liên Sơn… luôn được coi là thế mạnh của Kim Bảng.

Để các sản phẩm này có thể vươn ra thị trường rộng lớn, việc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá theo Chương trình OCOP là bước đi chiến lược. Chương trình đã giúp các sản phẩm này không chỉ bảo tồn được những giá trị truyền thống, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

z6167343907390-20411ba0a408f2994378d2d3324a3134-1735382102.jpg
Bộ sản phẩm chum sành Quyết Thành trưng bày tại Hội chợ Triển lãm (Ảnh: Phòng Nông nghiệp & PTNT Kim Bảng)

Trong những sản phẩm tiêu biểu đó có bộ sản phẩm chum sành Quyết Thành của làng nghề truyền thống Gốm Quyết Thành. Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành là một ngôi làng nhỏ thuộc Thị trấn Quế. Từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống, những sản phẩm gốm của làng, từ những chiếc bình chén, địa chum vại đến các đồ gia dụng khác đã góp phần lữu giữ các truyền thống văn hoá dân tộc qua nhiều thế hệ.

Trong bối cảnh hội nhập và nhu cầu của thị trường thay đổi làng nghề truyền thống Quyết Thành đã không ngừng thay đổi nâng cao chất lượng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng và hướng tới phát triển bền vững. Các sản phẩm gốm trước kia chủ yếu là các đồ gia dụng thông thường. Với tư duy đổi mới cùng với sự hỗ trợ từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, những sản phẩm ở đây đã được các nghệ nhân sáng tạo và phát triển thành bộ sưu tập độc đáo mang tên “ Bộ sản phẩm chum sành Quyết Thành”  của cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm.

"Mong muốn lớn nhất của tôi vừa duy trì sản xuất các sản phẩm gốm truyền thống, kết hợp với sản phẩm gốm mỹ nghệ, gốm decor gắn với phát triển du lịch làng nghề. Cùng với đó, các hoạt động trải nghiệm của các nhà trường, các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề sẽ thu hút, truyền cảm hứng để mọi người biết đến làng gốm Quyết Thành nhiều hơn nữa, đặc biệt là các thế hệ trẻ", anh Lại Tuấn Sơn chia sẻ.

z6167342536750-4bba33f9f3d567ac43dfd40c8c451ec3-1735382102.jpg
Các nguyên liệu được chọn lựu kỹ càng để đảm bảo chất lượng và độ thẩm mỹ của sản phẩm. (Xuân Hiếu)

"Những chiếc chum sành được tạo ra từ đất sét và nung ở nhiệt độ cao, mang đến sự chắc chắn và bền bỉ dùng để bảo quản thực phẩm là tuyệt vời nhất bởi đựng bằng chum sành sẽ cho thực phẩm đảm bảo an toàn sạch sẽ, giữ được hương vị tự nhiên mà không hề thay đổi hay bị ám mùi", một người dân làng nghề chia sẻ.

Sau quá trình cải tiến và sáng tạo của các nghệ nhân nhiều sản phẩm của làng nghề truyền thống đạt được chất lượng cao và có độ thẩm mỹ hoàn hảo trong đó có bộ sản phẩm chum sành đạt chứng nhận 3 sao từ chương trình OCOP. Đây là sự thành công, là niềm tự hào của người dân làng nghề mà còn là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng trong việc bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống của địa phương.

Từ những cố gắng của các nghệ nhân làng nghề truyền thống cùng Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm OCOP” đã đẩy mạnh phong trào sản xuất đổi mới, nâng cao chất lượng như “Bộ sản phẩm chum sành Quyết Thành”. Qua đó không chỉ góp phần gìn giữ nghề gốm truyên thống mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành.

Đẩy mạnh phát triển Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm OCOP” chính là cơ hội mở ra cho làng nghề phát triển kinh tế bền vững, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá quý báu của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP tại Kim Bảng không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà còn được hỗ trợ về thiết kế bao bì, nhãn mác, chiến lược marketing.

Sự đổi mới này đã giúp sản phẩm của huyện ngày càng khẳng định được giá trị trên thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu và tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

z6167342530399-5da395e8a40441baf68b7fce09eddb27-1735382102.jpg
Các sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo quy trình kỹ thuật và độ thẩm mỹ cao sẽ là điều kiện để chắp cánh bay xa.

Bên cạnh đó, Chương trình OCOP không chỉ giúp người dân Kim Bảng sản xuất những sản phẩm chất lượng mà còn hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giúp nâng cao năng lực sản xuất. Các cơ sở sản xuất đã được tham gia các khóa đào tạo, hướng dẫn về quy trình sản xuất, bảo quản sản phẩm, cách xây dựng thương hiệu do cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bảng phối hợp tổ chức thực hiện, từ đó giúp bà con phát triển kinh doanh một cách bền vững.

Ngoài ra, Chương trình còn tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm thông qua các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh, các kênh bán hàng online, các sàn giao dịch điện tử…

Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã và đang đem lại những kết quả tích cực cho huyện Kim Bảng. Những sản phẩm đạt chuẩn OCOP không chỉ là niềm tự hào mà còn là cầu nối phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Với những thành công đạt được, huyện Kim Bảng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình này, nhằm không ngừng nâng cao giá trị các sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Xuân Hiếu