Hà Giang, Miền du lịch xanh đầy tiềm năng (Bài I)

Với tài nguyên du lịch cả tự nhiên và nhân văn phong phú, Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
0716-87890-2-1473747378010-1658454571.jpg
Cột cờ Lũng Cú nơi tột bắc của tổ quốc

Vậy, Hà Giang đang ở vị trí nào trong bản đồ du lịch quốc gia? Trả lời được câu hỏi này chính là cơ sở đánh giá đúng thực trạng để tìm ra giải pháp hoạt động trong tương lai cho du lịch và kinh tế du lịch Hà Giang.

Những năm qua Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang đã hoàn chỉnh dự án quy hoạch, phát triển tổng thể về du lịch của Tỉnh, từng bước triển khai xây dựng các loại hình, mô hình, sản phẩm du lịch để đưa vào khai thác, chủ động phối kết hợp với các tỉnh lân cận phát triển du lịch liên vùng, xây dựng và phát triển các làng nghề truyền thống, làng văn hóa du lịch…

Đồng thời Hà Giang mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Hướng dẫn, tư vấn các doanh nghiệp và các nhà đầu tư xây dựng dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch trong và ngoài nước.

Khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Giang với nhiều mục đích khác nhau: thăm thân, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá lịch sử, địa lý... nhìn chung lượng khách du lịch đến với Hà Giang năm sau cao hơn năm trước, đây là tín hiệu đáng mừng song cũng đặt ra cho ngành du lịch những vấn đề phát sinh cần giải quyết. Lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến với Hà Giang chủ yếu bằng đường bộ. Khách quốc tế đến từ các thị trường Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ trong đó khách đến từ thị trường Châu Á và Châu Âu chiếm đa số nhưng vẫn ở dạng cá nhân và các nhóm nhỏ.

Khách du lịch đến từ Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu quốc gia Thanh Thuỷ, vào Hà Giang và đi sâu vào các tỉnh miền xuôi. Nhìn chung, khách du lịch đến với Hà Giang chủ yếu theo những tốp bằng nhiều phương tiện khác nhau (xe máy, ô tô, đi bộ dài ngày xuyên qua các làng bản...). Du khách nước ngoài thường đi theo chương trình du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm. Điều này thể hiện thị trường du lịch Hà Giang đang bước vào giai đoạn sôi động, từng bước hội nhập với cả nước, khu vực và quốc tế.

Hà Giang đang sở hữu một tài nguyên du lịch thiên nhiên vô giá, đó là sự “nguyên sơ” của một vùng đất được UNESSCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Hà Giang còn là một vùng đất có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo không nơi nào có được. Đó là Cột cờ Lũng Cú, Trống đồng Lũng Cú, Làng cổ Lô Lô, Kiến trúc Nhà Vương, Cổng trời Quản Bạ, Phố cổ Đồng Văn, Chợ tình Khau Vai, Đèo Mã Pí Lèng, Vườn tượng Thạch Sơn Thần, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Bãi đá cổ Nấm Dẩn...

Đấy là chưa kể hàng loạt núi non, hang động, sông hồ chưa thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, khai thác tài nguyên du lịch như thế nào cho hiệu quả lại là bài toán khó, đòi hỏi đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang phải tìm lời giải. Lợi thế đó có được phát huy không khi đường xá xa xôi, hiểm trở, cơ sở hạ tầng du lịch còn quá giản đơn, con người làm du lịch chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp? Có người đã nói: núi rất đẹp, đá rất đẹp, phong cảnh rất trữ tình, văn hóa rất đa dạng, nhưng lấy cái gì để ăn, để mặc mà ngắm và đưa du khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu? Nếu đến chỉ để xem đá, xem cây… người ta chỉ đến một lần.

11-crop-1513589550702-1658454684.jpg
Từ đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống sông Nho Quế

Thấp thoáng phía sau rừng đá xám kia là cả một nền văn minh, nhiệm vụ của ngành Du lịch là phải giúp du khách chạm được vào các giá trị văn hóa ẩn sâu phía sau trong rừng đá xám đó và tạo thành cảm xúc. Đó chính là cơ sở để phát triển du lịch bền vững, hấp dẫn, có thương hiệu, bên cạnh các hoạt động bảo tồn, tu tạo cảnh quan, các dịch vụ du lịch hoàn thiện và chuyên nghiệp.

Hà giang không có được những khu du lịch truyền thống và lâu đời như vịnh Hạ long (Quảng Ninh), bãi biển đẹp Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Động Phong Nha (Quảng Bình) hay Tam Cốc, Bích Động (Ninh Bình), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Hà Giang không có cố đô, lăng tẩm như Huế, phố cổ như Hội An (Quảng Nam) không có di tích lịch sử như Pác Bó (Cao Bằng), Cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên) ATK như Thái Nguyên, Tân Trào (Tuyên Quang)…

Hà Giang không có các cửa khẩu lớn phục vụ nhu cầu du lịch mua sắm như Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị)… Chỉ so với các vùng tương đồng trong Khu Việt Bắc, tài nguyên du lịch của Hà Giang vẫn đang ở dạng tiềm năng và chưa hình thành thị trường truyền thống. So với cả nước lại càng thấy rõ, nhiều tỉnh, thành với lợi thế có vị trí địa lý thuận lợi, có lịch sử phát triển, họ đã và đang khai thác và xây dựng được thị trường du lịch có thương hiệu.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang bản chất và nội dung văn hóa rất sâu sắc dựa trên cơ sở, nền tảng văn hóa dân tộc - vùng miền. Hoạt động du lịch luôn đem đến cho du khách những sản phẩm chứa đựng các giá trị nhân văn đặc sắc, mang sắc thái bản địa. Tài nguyên có thể trời cho nhưng con người phải là trung tâm; Có một vùng trời, một vùng đất đẹp, nên thơ mà không có con người vun đắp, tô điểm và phát triển, những vùng trời, vùng đất đẹp đó không bao giờ trở thành sản phẩm du lịch hoàn hảo.

Cũng phải nói thêm, giá trị của tài nguyên và sản phẩm du lịch được đánh giá bằng số lượng du khách đến với nó, phụ thuộc vào mức chi tiêu của du khách trong một chuyến đi và ảnh hưởng, tác động của hệ thống sản phẩm đó đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, đất nước. Giá trị của sản phẩm du lịch được đánh giá bằng hai hình thức: lượng hóa được và không đo đếm được. Đây chính là tiêu chí để xây dựng cụm, trung tâm du lịch./.

Nguyễn Thị Dịu và Nguyên Hằng