Gốm sứ Thanh Hà: Hành trình lịch sử và giá trị truyền thống giữa phố cổ Hội An

Trải qua hàng thế kỷ, làng gốm Thanh Hà không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa, tạo ra các tác phẩm gốm sứ độc đáo, mà còn là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa quý giá của Việt Nam.
hoi-an-to-chuc-gio-to-nghe-gom-1694174076.jpg
Theo lệ thường niên, cứ đến mồng 10 tháng 7 âm lịch, thành phố Hội An luôn trang trọng tổ chức Lễ Giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà.

Di sản bên dòng “sông mẹ”

Theo các bậc trưởng lão, hơn 500 năm trước, trong hành trình mở cõi về phương Nam, các bậc truyền nhân đã chọn mảnh đất bên bờ sông Thu Bồn để khai làng, lập ấp, làng gốm Thanh Hà cũng được khai mở và phát triển từ đó. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, với sự bảo tồn, tôn tạo và lưu truyền của các thế hệ cư dân, làng gốm Thanh Hà vẫn được gìn giữ và phát huy các giá trị của làng nghề.

Thường niên, cứ đến mồng 10 tháng 7 âm lịch, bà con khối phố Nam Diêu lại trân trọng tổ chức giỗ tổ nghề gốm, nhằm tưởng nhớ tri ân các bậc tiền bối đã có công khai thiên lập địa, dựng làng lập nghề, làm nên nghề gốm. Các bậc truyền nhân đã để lại một làng nghề với bề dày lịch sử đậm đà bản sắc văn hóa làng xã. 

Ông Phạm Mẹo, Khối trưởng khối Nam Diêu, kể lại, “Ngoại trừ 2 năm dịch bệnh chỉ cúng bái đơn giản, năm nào chúng tôi cũng tổ chức nghi lễ chính chu. Bởi đây là dịp quan trọng để bà con nhớ về tổ tiên. Đồng thời, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối, và phát huy giá trị vô giá nghề gốm mà truyền nhân đã truyền lại. Qua đó, giữ hình ảnh đẹp trong mắt du khách tham quan, bảo tồn giá trị do các bậc truyền nhân để lại như một trách nhiệm đối với lịch sử của người dân khối phố Nam Diêu và du khách”.

Làng gốm Thanh Hà ra đời khoảng thế kỷ XVI-XVII, do một số thợ thủ công từ Thanh Hóa, Nghệ An đến sinh sống dựng làng lập nên nghề gốm, gắn với sự lưu truyền về sự tích hai chị em bà Phước, bà Tích.

Trong lịch sử hình thành và phát triển, với sự tài hoa tinh tế của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà, nơi đây chủ yếu chế tác các sản phẩm gạch, ngói phục vụ xây dựng các công trình kiến trúc phố cổ Hội An, đồ gốm phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng gia dụng được tiêu thụ ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị,… Chính vì vậy, sản phẩm gốm Thanh Hà được triều đình nhà Nguyễn ghi vào sách Đại Nam nhất thống chí, phần thổ sản Quảng Nam. 

Đến nửa đầu thế kỷ XIX, Triều Nguyễn bước vào giai đoạn ổn định và phát triển, các giá trị văn hóa làng xã, tín ngưỡng được khuyến khích phát huy. Từ lợi thế lịch sử đó, các thợ gốm Nam Diêu đã thiết kế nên nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng. Và cũng từ đó khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu được ra đời nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của cư dân.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tổ miếu Nam Diêu cùng với làng gốm Thanh Hà vẫn tồn tại nguyên vẹn như một hiện thân về văn hóa lịch sử vô giá của bao thế hệ người làm gốm nơi đây. Chính vì lẽ đó, di tích đã được UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào danh mục các di tích lịch sử cần được bảo vệ vào tháng 8/1997 và được trùng tu gần nhất vào năm 2019. Hơn thế, ngày 27/8/2019, làng gốm Thanh Hà còn được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, vinh dự khôn xiết của người dân phường Thanh Hà. 

Giữ hồn gốm cổ

Làng gốm Thanh Hà vang tiếng tứ phương bao đời nay, một thời được so sánh với gốm Bát Tràng (Hà Nội) cũng đã có khoảng thời gian đứng trước bờ vực thất truyền. Theo dòng thời đại, hầu hết các sản phẩm đều được ứng dụng công nghệ và công nghiệp hóa, nghề thủ công như gốm sứ thường không được quan tâm và tôn trọng như trước. Bảo tồn, phát huy giá trị khối di sản văn hóa liên quan đến nghề gốm sứ truyền thống của dân tộc nói chung và gốm Thanh Hà nói riêng trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế như hiện nay cũng là vấn đề nan giải. 

Tuy nhiên, dù phải đối đầu với những phương thức sản xuất trong thời đại mới, với vai trò là một phần quan trọng của di sản văn hóa và nghệ thuật quốc gia, gốm sứ Thanh Hà luôn được người dân cùng với địa phương ra sức gìn giữ. Thông qua việc truyền thông về giá trị của gốm sứ Thanh Hà bằng nhiều hình thức, hoạt động du lịch, kinh tế, giáo dục… sản phẩm gốm cổ nơi đây được du khách trong và ngoài nước tiếp nhận và vô cùng yêu thích. Đó cũng chính là minh chứng cho sự lưu truyền của gốm Thanh Hà. 

Trải qua nhiều khó khăn, thách thức, lại còn phải đối mặt với đại dịch Covid-19, tưởng chừng ngọn lửa nghề của làng gốm nổi tiếng hơn 500 năm tuổi ở sẽ tắt hẳn. Nhưng không, ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ cháy từng ngày, cho ra những sản phẩm độc đáo, mộc mạc. Tính đến thời điểm hiện nay, hồn của làng gốm cổ Thanh Hà vẫn được giữ với 23 hộ làm gốm trong đó có 5 hộ làm gốm truyền thống, 5 hộ làm gốm mỹ nghệ và 95 thợ gốm; gồm thợ làm đất, thợ chuốt, thợ đẩy, thợ lò, lái buôn gốm. Họ đều là những người giữ lửa, nắm trong tay kinh nghiệm chế tác sành, các kiến thức chế tác gốm truyền thống bằng bàn xoay, nung gốm bằng lò. Chính những cá nhân, hộ gia đình này là đối tượng trung tâm, quan trọng để làm cơ sở cho việc bảo tồn, phát huy nghề gốm Thanh Hà.

Hiểu được điều này, các cấp chính quyền địa phương cũng có những khuyến khích, động viên đến những người giữ hồn làng nghề. Năm nay, có cơ sở sản xuất được công nhận, khen thưởng đã có thành tích duy trì làng nghề là cơ sở sản xuất hộ ông Nguyễn Ngữ và cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Thủy. Đây cũng là hai cơ sở sản xuất gốm truyền thống lâu đời nhất đến nay vẫn còn hoạt động của làng gốm Thanh Hà. 

co-so-gom-nguyen-ngu-1694174076.jpg
Cơ sở gốm Nguyễn Ngữ luôn đỏ lửa qua bao năm tháng thăng trầm.

Nghệ nhân Nguyễn Ngữ (86 tuổi) cùng người vợ và hai con hiện vẫn giữ nghề gốm. Cơ sở của ông Ngữ chủ yếu vẫn làm đồ truyền thống bằng phương thức thủ công như chum, lọ, nồi đất. Nằm sâu bên trong làng gốm, cơ sở của ông Ngữ vẫn được nhiều du khách tìm đến vì “tiếng làng đồn xa”. Đến cơ sở gốm Nguyễn Ngữ là bắt gặp hình ảnh hai phụ nữ lớn tuổi đang miệt mài với những chiếc chum đất. Với những động tác đá chân để chiếc bàn xoay chuyển động cùng với việc tỳ hai tay vào khoanh đất, cứ nhịp nhàng phối hợp như thế mà chỉ trong vài phút đã tạo hình hoàn thành sản phẩm.

Ông Ngữ là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất làng. Xưởng gốm nhà ông là một trong số các xưởng gốm với vài nhiều nhân công còn giữ nghề gốm ở Thanh Hà. Trong số đó, phần lớn là những nghệ nhân lành nghề với kinh nghiệm hàng chục năm trở lên. Ông tâm sự: “Dù có khó khăn, thăng trầm bao nhiêu gia đình tôi vẫn quyết giữ lấy cái nghề truyền thống này. Dù hiện nay, lượng khách du lịch đến với làng gốm không ổn định nhưng chúng tôi vẫn duy trì sản xuất những sản phẩm phục vụ đời sống nhằm bán ra các địa phương khác cho người tiêu dùng. Bởi gốm của mình làm thủ công theo những gì cha ông truyền lại nên rất bền và tiện dụng có khi để hàng chục năm không nứt, không rã”.

Chị Nguyễn Thị Thủy (Chủ cơ sở sản xuất gốm truyền thống Thị Thủy), cũng cho biết: “Tôi đã là đời thứ 4 kế nghiệp gốm truyền thống Thanh Hà, với hơn 35 năm gắn bó với gốm sứ tôi luôn trân quý những bài học giá trị mà ông cha để lại, đồng thời động viên con cháu bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của làng mình không chỉ vì giá trị kinh tế, mà còn là giá trị văn hóa truyền thống”.

co-so-gom-nguyen-thuy-1694174076.jpg
Cơ sở gốm Thị Thủy của chị Nguyễn Thị Thủy.

Cơ sở sản xuất gốm của chị Thủy cũng là cơ sở truyền thống trước nay chuyên về các dòng gốm dân dụng. Theo như chị Thủy chia sẻ, dù sau này con cái không ai theo nghề, chỉ cần còn sức chị vẫn luôn đỏ lửa lò nung, giữ lại hình hài, giá trị cho gốm cổ quê hương.

Nói đến giữ hồn gốm cổ, không chỉ hai cơ sở trên, hiện nay ở Thanh Hà, nhiều gia đình có con em đi học đại học rồi cũng theo tiếng gọi tổ nghề để quay lại đạp khuôn, nặn đất như trường hợp gia đình ông Ngụy Trung. Sau nhiều đời bám nghề, hiện nay gia đình ông Trung còn truyền lại cho thế hệ trẻ nhất của gia đình là hai người con Ngụy Nguyễn Trần Phương Thảo (26 tuổi) và người con trai mới tốt nghiệp đại học ngành du lịch là Ngụy Nguyễn Khôi Nguyên (23 tuổi).

Gốm Thanh Hà được làm thủ công từng sản phẩm một, nên được ví như sản phẩm từ hơi ấm bàn tay với đặc trưng riêng, mang đậm nét văn hóa người dân Nam Diêu, Thanh Hà. Cũng chính vì điều này mà dù có cùng loại sản phẩm nhưng không có chiếc nào giống hệt chiếc nào. Chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ phục vụ tín ngưỡng các sản phẩm gốm có một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, kinh tế, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình. Có lẽ vì vậy mà sản phẩm gốm Thanh Hà luôn hiện hữu và được đón nhận như một lẽ thường tình. Nhưng cốt vẫn là ở những nghệ nhân làm gốm vẫn giữ được sự tinh túy và vẻ đẹp vốn có của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. 

Quả thật, bảo tồn nghề làm gốm truyền thống không chỉ là giữ lại một nghề nghiệp mà còn giữ lại một phần quan trọng của văn hóa hóa và nghệ thuật của con người. Những chiếc bát, ấm, tượng điêu khắc gốm sứ… không chỉ là những sản phẩm mà còn là những câu chuyện và ký ức của một thời đại. 

Song hành giá trị truyền thống với thời đại mới

Hiện nay, gốm sứ Thanh Hà vẫn giữ vững chỗ đứng trên thị trường với nhiều mặt hàng được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Cùng với đó, trong nền kinh tế thị trường, các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đã nghiên cứu nhu cầu thực tế để làm nên nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ thương mại, du lịch, với hàng chục ngàn sản phẩm gốm các loại, giúp đời sống của người làm gốm được cải thiện nhiều hơn. 

khach-du-lich-trai-nghiem-lam-gom-1694174076.jpg
Khách du lịch thích thú trải nghiệm làm gốm ở Thanh Hà.

Không chỉ vậy, người dân còn theo kịp sự phát triển của truyền thông, du lịch phố cổ để quảng bá câu chuyện, giá trị đằng sau mỗi sản phẩm truyền thống của địa phương. Từ năm 2001, làng gốm Thanh Hà bắt đầu chuyển sang làm du lịch. Hầu hết các cơ sở cũng dần chuyển từ sản xuất gốm dân dụng sang gốm mỹ nghệ và vật phẩm lưu niệm kết hợp trình diễn nghề. Theo đó, thành phố đã có phương án chỉnh trang và tạo cảnh quan môi trường làng nghề. Đặc biệt, kết quả của phương án chỉnh trang này chính là Công viên đất nung Thanh Hà do kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên thiết kế. Đây được xem là “Thanh Hà thu nhỏ”, là nơi trưng bày gốm có quy mô lớn nhất ở trong nước với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã. Anh Nguyễn Kim Chiến (người dân ở phường Thanh Hà) cho biết: “Dù đây là sản phẩm từ ý tưởng của một cá nhân nhưng là biểu tượng ước mơ, niềm tự hào của tất cả người dân làng gốm Thanh Hà, minh chứng cho hành trình phát triển và giữ được văn hóa truyền thống của làng gốm”.

Hơn nữa, nơi đây còn thực hiện giảm thiểu các lò nung gạch ngói bằng thủ công thay vào đó là những lò nung có công suất cao hơn, giảm đáng kể ô nhiễm bụi và khói nhằm phát triển nghề làm gốm. Bà Nguyễn Thị Thu (Cơ sở sản xuất gốm Nguyễn Ngữ) cho biết: “Hiện nay chúng tôi vẫn kết hợp làm gốm dân dụng với gốm mỹ nghệ và biểu diễn chế tác, vì gốm dân dụng hiện giờ nhiều khó khăn về đầu ra nhưng nó là cái cốt của gốm Thanh Hà. Việc phát triển du lịch của Hội An cũng như phường Thanh Hà cùng với công nghệ lò nung mới và những sản phẩm gốm mỹ nghệ giúp chúng tôi được du khách đón nhận nhiều hơn”.

Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã quan tâm đầu tư kinh phí, công sức, trí tuệ, con người để xây mới, tôn tạo, nâng cấp và khai thác tiềm năng của di sản văn hóa, gắn với việc trưng bày, triển lãm và lễ hội, du lịch để gốm cố Thanh Hà luôn được song hành với thời đại. Đến hôm nay, du khách khi đến với thành phố Hội An, sẽ được chứng kiến tận mắt một làng gốm Thanh Hà tuyệt mỹ với hình ảnh các nghệ nhân làng gốm làm ra những tuyệt tác, cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc trong từng tác phẩm, Cũng đã không ít sản phẩm của làng được theo chân du khách “xuất ngoại” vì sự đặc biệt của nó. 

Một sản phẩm tinh xảo, một làng nghề truyền thống chuyên biệt đều xứng đáng được bảo tồn và nhận được sự cống hiến, hỗ trợ từ nhiều phía. Bằng cách đó, gốm sứ Thanh Hà sẽ tiếp tục tồn tại, thịnh vượng trong thế kỷ XXI và mãi về sau. 

Cáp Vương