Quảng cáo #128

Góc nhìn mới của nữ nhà văn 8x về chiến tranh

Những tác phẩm của nhà văn 8x Thương Hà không gợi lại vết thương chiến tranh để thêm đau đớn, thêm ê chề mà góp phần hóa giải những đau thương thù hận...
nha-van-thuong-ha-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-2-1714859305.jpg
Nhà văn 8x ước gì đất nước không có chiến tranh. Bởi mỗi cuộc chiến phải trái đều mất mát, đau thương...

Viết từ lâu, cất trong laptop, thế rồi dồn dập hơn bốn năm qua, Thương Hà (sinh 1981, hiện sống và làm việc tại Hà Nội) xuất bản gần 10 cuốn tiểu thuyết, quả là một sức viết đáng nể. Các tiểu thuyết đã phát hành là “Một con đường”, “Người PTSD”, “Nalis xô dạt bờ định mệnh”, “Bóng đêm của Diệu”, “Vùng biên không yên tĩnh”,  “Những oan hồn bất tử”…

Chủ đề đa dạng, chạm tới mọi góc cạnh cuộc sống. Nhưng chúng tôi đặc biệt ấn tượng với lối viết của chị về đề tài hậu chiến… Nữ nhà văn Thương Hà có một cách tiếp cận khá mới về đề tài “Chiến tranh và người lính” theo mảng chủ đề di chứng thời hậu chiến.

Thương Hà tâm sự, chị viết là nhu cầu tự thân, không mưu cầu gì khác ngoài được trải lòng thành câu chữ. Viết với Thương Hà còn là để thoả mãn nhu cầu nội tâm. Nói lên nỗi lòng, suy nghĩ của giới trẻ về cuộc chiến đã lùi xa.

Câu chữ của nhà văn Thương Hà dung dị, hồn nhiên trong sáng tựa như chính cuộc đời của chị. Thương Hà hiểu sâu sắc “Nỗi buồn chiến tranh”, khi người lính gác lại tay súng, bảo vệ chủ quyền để trở về với cuộc sống đời thường, với những di chứng của chiến tranh, mà họ phải dằn vặt, tự mình vượt qua, lắm lúc cô độc...

Nhưng ẩn sau những con chữ ấy là mạch sâu của tư duy và lối viết có nghề. Dù không sống trong thời chiến, nhưng nữ nhà văn 8x có góc nhìn nhân văn, đồng cảm với những người lính đã tận hiến tuổi xuân vì nền độc lập tự do hạnh phúc cho nhân dân. “Khi viết, tôi chỉ mong được in thành sách và để các cuốn sách của mình bên cạnh sách của bố mình”, Hà chia sẻ.

nha-van-thuong-ha-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-3-1714859509.jpg
Dù đề tài cũ nhưng Thương Hà có cách tiếp cận trúng và đúng chắc chắn ít nhiều, tác phẩm sẽ để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.

Góc nhìn về chiến tranh của Thương Hà cho thấy chị là cây viết đủ bản lĩnh để vững bước cùng các nhà văn thế hệ đi trước mạnh dạn khai thác đề tài gai góc như hậu chiến tự tin chưng cất qua số phận mỗi nhân vật. Nhân vật của Thương Hà thường là “Người trở về” khi cuộc chiến chấm dứt, dù là người của phía bên này hay phía bên kia, họ không chỉ thương tật thân thể mà còn mang thương tật tâm hồn, mang hội chứng rối loạn tâm thần sau chiến tranh.

Bạn đọc có thể nhận ra một ông Bình vô thức một ngày tắm năm, bảy lượt bởi sang chấn tinh thần từ những ngày ở chiến trường đói, khát, thiếu nước uống, nước sinh hoạt… trong tiểu thuyết “Vùng biên không yên tĩnh”. Một cựu chiến binh Sam trong tiểu thuyết “Người PTSD” trở về nước Mỹ, vợ chết, sống độc thân và mang Hội chứng PTSD viết tắt của “Post-traumatic Stress Disorder” (Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương) sống không yên ổn với phần đời còn lại, đến mức phải quay trở lại chiến trường xưa Nam Việt Nam vừa để chữa lành vết thương tâm hồn, vừa sám hối…

“Tôi thật sự bất ngờ khi biết tác giả Thương Hà thuộc thế hệ 8x, lại viết được những trang văn mang dấu ấn của một thế hệ trải nghiệm chiến tranh sâu sắc đến nhường ấy”, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn nhận định.  “Tác giả sớm định hình một giọng điệu vừa chững chạc, phóng khoáng khi viết về một thế giới mở, không bị đóng băng bởi thiên kiến hay sự giằng kéo ngoài văn chương”, ông chia sẻ

Đề tài mới mà không có cách tiếp cận mới, thích hợp, chắc gì đã mang lại hiệu quả cho tác phẩm, làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của công chúng “khó tính” hôm nay, khi mà các phương tiện truyền thông nghe nhìn, mạng xã hội tràn ngập mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Ngược lại, dù đề tài cũ mà có cách tiếp cận trúng và đúng chắc chắn ít nhiều, tác phẩm sẽ để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.

Ấy là cách lựa chọn khôn ngoan của Thương Hà. Khôn ngoan không viết trực diện về chiến tranh với những hình ảnh tàn khốc máu chảy, xương tan, thịt nát, lửa cháy... Khôn ngoan đi theo dòng ý thức với thế mạnh hiểu biết và đào sâu tâm lý con người thời hậu chiến. Khôn ngoan không đi theo vết xe hùng binh của cha anh vừa cầm súng vừa cầm bút trên chiến trường.

Khôn ngoan đi bằng con đường riêng của mình, dù cô biết ít người hiểu, đồng cảm, chia sẻ, nhưng cô vẫn đi con đường nghệ thuật độc đạo ấy. Nữ nhà văn Thương Hà có một cách tiếp cận khá mới về đề tài “Chiến tranh và người lính” theo mảng chủ đề di chứng thời hậu chiến. “Tuy nhiên cách tiếp cận này không phải là mới đối với văn chương hiện đại thế giới, nhưng lại còn khá hiếm hoi với văn chương đương đại Việt Nam”, nhà văn Bùi Việt Thắng giãi bày.

nha-van-thuong-ha-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-4-1714859636.jpg
Góc nhìn về cuộc chiến của Thương Hà cho thấy chị là cây viết đủ bản lĩnh để vững bước cùng các nhà văn thế hệ đi trước mạnh dạn khai thác đề tài gai góc như hậu chiến tự tin chưng cất qua số phận mỗi nhân vật.

Luận về chiến tranh và hòa bình, nhà văn Thương Hà chủ trương trở về với minh triết Phương Đông như “Tịnh tâm”, “tâm bình - thiên hạ bình” phải chăng là chìa khóa giải quyết mọi nguy hiểm, chênh chao, bọt dạt định mệnh của con người? Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi rằng: “Chư hành vô thường. Thị sinh pháp. Sinh diệt diệt. Tịch diệt vi lạc”. Có nghĩa là: Các hiện vật đều vô thường, có sinh và có diệt. Khi cả sinh và diệt đều không còn, thì trạng thái 'bình thường' yên tĩnh mới là niềm an lạc chân thật nhất. Một khi tâm đã bình an, thả xả hoàn toàn, không chấp nhận, thì là tâm vô cầu.

Tâm bình là tâm trú trong sự tĩnh lặng, như mặt nước hồ thu trong xanh không bị xao động, như: “Nhạn bay ngang trời/ Bóng chim tối lạnh/ Nhạn không có ý để lại dấu tích/ Nước không có bóng bóng”. Khi cái tâm tịnh, an lành, từ bi, bác ái sẽ sống hiền hòa và môi trường cũng hiền hòa. “Tịnh tâm”, “tâm bình - thiên hạ bình” hay không đều bắt đầu từ tam độc: “Tham - sân - si”.

Kinh Pháp Cú ghi rằng: “Thăm Sân Si là TAM ĐỘC, là sự ham muốn thái quá; là cơn giận, bình tĩnh, thù hận, không vừa lòng, không ý muốn; là sự tối không suy xét theo lẽ phải, hay sửa tốt xấu”. Không buông bỏ, chế độ được tham sân si sẽ gây ra bao nhiêu điều tội lỗi cho chính con người và cho các loài cùng loại, làm cái tâm không sạch sẽ thì sẽ dẫn đến tranh giành, thoán đoạt và đó cũng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên chiến tranh.

Dù nhà văn 8x Thương Hà rất kín đáo thông qua hình tượng nghệ thuật để gửi gắm thông điệp hòa bình, thì người đọc vẫn nhận ra đi tới hạnh phúc phải chế ngự được lòng tham để tâm bình, tâm bình sẽ an lạc, sẽ hòa bình. Quan điểm này không mới, nó gần với đạo Phật diệt khổ và an lành, có thể cũng coi là tư tưởng nhất quán của Thương Hà khi viết về thời hậu chiến. Theo nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, tiểu thuyết của Thương Hà không gợi lại vết thương chiến tranh để thêm đau đớn, thêm ê chề mà góp phần hóa giải những đau thương thù hận./.

Trần Gia Anh Thư