Gặp gỡ, giao lưu với nhà văn Pháp Bernard Werber

Nhân dịp nhà văn người Pháp Bernard Werber đến Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức chuỗi các buổi gặp gỡ, hội thảo và tọa đàm tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 16 - 21/3/2024.
1-1710930609.png
Nhà văn người Pháp Bernard Werber đến Việt Nam sẽ tham gia buổi gặp gỡ, giao lưu với độc giả vào ngày 21/3/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.

Các tác phẩm của ông như Kiến, Ngày của Kiến, Cách mạng Kiến và Chiếc hộp Pandora đã được xuất bản bằng tiếng Việt và được giới thiệu trong chuỗi sự kiện này.

Bernard Werber là một trong những nhà văn Pháp đương đại với các tác phẩm được đọc nhiều nhất trên thế giới. Sau khi theo học ngành luật và tội phạm học ở Toulouse, Bernard Werber nhập học trường báo chí Paris. Ông viết những bài báo đầu tiên có nội dung là các sự kiện thường ngày thuộc đủ thể loại, in trên một nhật báo ở Cambrai, trước khi giành giải phóng viên trẻ xuất sắc nhất do Quỹ thông tin trao tặng. Bài phóng sự lớn đầu tay của ông được thực hiện ở nước ngoài, lấy chủ đề về loài kiến safari ở Bờ biển Ngà. Khi quay về, ông bắt đầu làm việc tự do cho nhiều báo như L'événement, Le Point, VSD... cho tới khi tiếp quản mục khoa học của tờ Le Nouvel Observateur và làm việc ở đó suốt 7 năm.

Cuộc điều tra về kiến safari đã tạo cho anh cảm hứng viết cuốn tiểu thuyết đầu tay vào năm 1991: “Kiến”, tác phẩm nhanh chóng thành công vang dội tại Pháp và trên toàn thế giới, nhất là ở Hàn Quốc và Nga. Thành công này càng được nhân thêm qua nhiều cuốn sách khác (đến nay là khoảng chừng ba mươi cuốn bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch...)

Các tác phẩm của Bernard Werber đã được chuyển ngữ qua 30 thứ tiếng và bán được hơn 23 triệu bản trên thế giới. Tác phẩm gần đây nhất ông cho xuất bản vào tháng 10/2023 có tên là Le temps des chimères (Tạm dịch: Thời của những ảo tưởng).

2-1710930691.png
3-1710930710.png
Các tác phẩm của nhà văn Pháp Bernard Werber.

Đặc trưng trong các tác phẩm của Bernard Werber là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hoà và thú vị giữa văn chương, khoa học viễn tưởng và các ý tưởng triết học. Cấu trúc tiểu thuyết của ông làm say mê các độc giả yêu thích khoa học khi đan xen giữa các đoạn văn chương và các phần kiến thức khoa học bách khoa. Bộ ba tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Kiến được độc giả tán tụng là một trong những tiểu thuyết khoa học nổi tiếng nhất và làm nên tên tuổi của Bernard Werber. Bộ ba này bao gồm ba tập có tên: Kiến, Ngày của Kiến và Cách mạng Kiến được xuất bản trong vòng 6 năm từ 1991 đến 1996. Lấy chủ đề trung tâm là loài Kiến, một loài vật ít được để ý cả ngoài đời thật và trong văn chương, bộ ba tiểu thuyết “Kiến” của Bernard Werber đưa độc giả đến với một thế giới khoa học ngoài sức tưởng tượng, mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ, đến với nền văn minh của loài Kiến. Bernard Werber đã đưa vào bộ ba tiểu thuyết “Kiến” một cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ và những kiến thức khoa học đồ sộ, mạch lạc và mang nhiều tầng ý nghĩa. Không chỉ có vậy, bộ tiểu thuyết có dung lượng lớn này còn là tổng hòa của triết học, tâm linh, kinh dị, thần thoại và ý thức.

Sau thành công vang dội của bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Kiến”, Bernard Werber vẫn tiếp tục sáng tác những tiểu thuyết sci-fi khác. Năm 2018, Bernard Werber cho xuất bản tiểu thuyết mới có tên Chiếc hộp Pandora. Với tiểu thuyết này, Bernard Werber đã đưa ra một thể loại văn chương mới mà ông gọi là “triết lý viễn tưởng”, pha trộn khoa học viễn tưởng, triết học và tâm linh.

Vẫn với phong cách đặc trưng là văn chương kết hợp với khoa học viễn tưởng, lần này, với Chiếc hộp Pandora, Bernard Werber đưa yếu tố tâm linh làm gia vị cho cốt truyện của mình. Chiếc hộp Pandora kể về cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của René, một giáo viên lịch sử sau khi tham gia một buổi biểu diễn thôi miên đã vô tình lạc vào một kiếp sống trước. Sự kiện này đã vô tình liên tục đẩy ông vào những kiếp sống khác nữa, khiến ông đi đến một thách thức đầy kích thích: Liệu ông có thể làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, viết lại nó, và từ đó làm thay đổi trí nhớ của cộng đồng? Yếu tố khoa học viễn tưởng cũng được đưa vào một cách khéo léo khi đề cập đến các cơ chế của trí nhớ, cả cá nhân lẫn tập thể, cũng như ý nghĩa của lịch sử và ảnh hưởng của nó lên đời sống của xã hội./.

Đạm Quang Lê