Nhiều nơi trong thành phố dựng cổng chào đón đoàn quân... Trước đó vài hôm, các gia đình đã may sẵn cờ đỏ sao vàng, treo ảnh Hồ Chủ tịch và lập bàn thờ Tổ quốc trong nhà. Không ai bảo ai, mọi người cùng quét dọn đường phố. Tôi cùng bạn bè thành lập một nhóm kịch tập suốt ngày đêm, mong ngóng đến ngày đón đoàn quân trở về. Giới học sinh, sinh viên tập hát bài Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Hà Nội giải phóng (Đỗ Quyên)... Nhiều người tập hát hăng quá khản cả giọng. Người Hà Nội chuẩn bị những thùng nước vối, nước chè xanh mời bộ đội.
Thời tiết mùng 10 nắng hanh, rất đẹp. Hà Nội như bừng tỉnh sau nhiều năm bị chiếm đóng. Ngay từ sáng, người dân thủ đô diện những bộ quần áo đẹp nhất đứng dọc hai bên đường. Các chị, các bà mặc áo dài đủ màu, học sinh, sinh viên mặc quần áo trắng, công nhân mặc quần áo xanh, ai cũng cầm một lá cờ hoặc hoa tươi, đứng chờ đoàn quân chiến thắng trở về.
Tiếng nhạc hùng tráng của bài ca Tiến về Hà Nội vang lên khi đoàn quân của Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Các anh đầu đội mũ có phủ lưới, xung quanh buộc vào đó những mảnh vải nhỏ màu xanh để ngụy trang, chân đi giày bata. Thỉnh thoảng lại có một anh bộ đội khoác trên vai chiếc đàn guitar hay arcordeon. Dòng người bên đường bỗng trở nên náo động hơn, họ vẫy hoa, hát theo tiếng nhạc và hô vang khẩu hiệu. Có những bác cao tuổi ôm chầm lấy anh bộ đội mừng mừng, tủi tủi như gặp lại đứa con xa nhà lâu ngày.
Nhiều người xúc động không cầm nổi nước mắt. Lúc đó tôi đứng trong rừng người nhìn bộ đội đi qua lòng dâng lên cảm xúc tự hào, hạnh phúc và niềm vui trào trong lồng ngực. Tiếng pháo nổ giòn xen lẫn những điệu nhạc của những bài ca cách mạng vang lên trên các đường phố. Trưa hôm ấy, gia đình tôi cũng như nhiều nhà khác làm một bữa cơm thịnh soạn với những chén rượu ăn mừng ngày giải phóng. Mọi người đều hân hoan nói cười, kể lại những ngày Hà Nội nhộn nhạo và bất an trước đó, vui với không khí náo nhiệt trong mấy ngày quân giải phóng tiếp quản.
Đến khoảng 15h chiều, tại Nhà hát lớn thành phố vang lên một hồi còi dài, người dân đổ về đây nghe Chủ tịch Uỷ ban Quân - Chính thành phố đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô nhân ngày giải phóng. Không khí tưng bừng còn kéo dài vài ngày sau đó. Văn công bộ đội biểu diễn cho người thủ đô ở các sân khấu ngoài trời với những tiết mục: múa hò kéo pháo, múa son đố mì, múa sạp, hát bài Giải phóng Điện Biên, Đường lên Tây bắc...
Các văn nghệ sỹ lớn theo kháng chiến trở về như Hoàng Vân, Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Thương Huyền, Trần Thụ, Mai Khanh... trực tiếp tham gia. Dân Hà Thành bị cuốn hút bởi các hoạt động văn nghệ được mang về từ chiến khu. Đến giờ mỗi khi nhớ lại ngày lịch sử trọng đại này, trong tôi không khỏi bồi hồi và hạnh phúc như đang vui cùng đoàn quân chiến thắng ấy.