Gỡ "nút thắt" để du lịch Việt Nam "tỉnh dậy" sau 2 năm "ngủ đông" vì đại dịch

Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua thời gian 2 năm bị ngừng trệ và ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Sau quãng dài "ngủ đông" trước những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngày 15/3 vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã chính thức được "mở cửa" trở lại với nhiều kỳ vọng phục hồi sẽ tạo động lực thúc đẩy toàn nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để lấy lại đà tăng trưởng và phong độ từng có trước đây của ngành công nghiệp không khói này là điều khó trong 1 sớm 1 chiều.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn với nhiều ngành và lĩnh vực khác. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch hiện có khoảng 40.000 thành viên, với hơn 1 triệu lao động trực tiếp và 2 triệu lao động gián tiếp.

1596105994-news-16968202103271828076084280-1648950163.jpg
Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua thời gian 2 năm bị ngừng trệ và ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19

Ngành du lịch phát triển sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội và góp phần cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư. Một khi du lịch được phục hồi, các ngành xung quanh cũng hồi phục theo. Bởi vậy, việc hỗ trợ tốt nhất và cần nhất cho các doanh nghiệp du lịch trong lúc này là ban hành ngay những chính sách phù hợp với tình hình mới; đồng thời, nhận diện những "nút thắt" đang cản trở ngành du lịch như việc cấp visa cho khách du lịch vào Việt Nam hay chấp nhận hộ chiếu vaccine như xu hướng chung mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng...

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, khi muốn mở cửa, muốn đẩy nhanh tiến trình hồi phục thì những chính sách ban hành cần dễ hiểu, dễ thực hiện và phải theo hướng đơn giản hóa, để các doanh nghiệp du lịch có thể nhanh chóng triển khai trên thực tiễn. Đồng thời, đó cần là những chính sách đảm bảo sự tương đồng với các nước khác, nhất là những nước đang phát triển du lịch.

Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng COVID-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR); với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này; cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...

Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay, những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K.

Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.

Các bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam cho hay, đến thời điểm này, có thể nói các quy định nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế đã "cởi mở" hơn. Tuy nhiên, cần độ trễ nhất định để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn. Cũng như đề xuất của nhiều doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, ông Vũ Hoàng kiến nghị, Chính phủ đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không với mức lãi suất 0% hoặc ưu đãi lãi suất với thời gian trả nợ dài hạn từ 3-5 năm.

Hiện tại, dòng tiền của ngành hàng không đang cạn kiệt, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, lĩnh vực này chắc chắn sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp…

Cùng với đó, Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không từ mức 7% xuống còn 0% cho đến hết năm 2022.

Chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng đến 30% trên tổng chi phí hoạt động; trong khi đó, giá nhiên liệu bay lại đang có xu hướng tăng cao nên gây rất nhiều khó khăn cho các hãng hàng không trong việc vận hành trong thời gian sắp tới.

Để hiện thực hóa mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ du lịch khoảng 400.000 tỷ đồng trong năm 2022 chắc chắn sẽ cần nhiều nguồn lực và sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư từ phía Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản và tiên quyết vẫn phụ thuộc vào nỗ lực, vào sự chủ động của các doanh nghiệp và toàn ngành du lịch. Không ai khác, họ sẽ vẽ nên tương lai của chính mình.

Anh Vân (t/h)