Người mẹ ở trường
Nhắc đến cô giáo Chu Thị Linh Quang (sinh năm 1951), những thế hệ cựu học sinh trường THPT Tùng Thiện (sau này ở trường PTTH Sơn Tây, Hà Nội- PV) đều dành những tình cảm và ấn tượng trân trọng về cô giáo cũ của mình. Trung tá Nguyễn Văn Hà, hiện đang công tác tại Công an Thị xã Sơn Tây xúc động: “Chúng tôi là lứa thế hệ may mắn được là học trò của cô. Cô là một nhà giáo rất tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi có được thành công như ngày hôm nay, một phần cũng nhờ tấm lòng, tình cảm và dạy bảo tận tình của cô”.
Cơ duyên đưa cô Quang đến với nghề giáo, khởi nguồn từ những khát khao cháy bỏng của tuổi học trò ước mơ được trở thành cô giáo để dạy các em của mình thành người. Những cuốn sách thuộc nằm lòng, đã gieo vào trong cô một tình yêu văn chương mãnh liệt và quyết tâm đi theo nghiệp văn chương.
Những năm giảng dạy bộ môn ngữ văn ở trường cấp III Tùng Thiện sau này ở trường PTTH Sơn Tây đã để lại bao kỷ niệm, không bao giờ phai nhòa trong tâm hồn cô giáo Linh Quang. Những năm tháng dạy học điều cô quan tâm nhất là làm sao mình dạy học thật tốt, và được học trò tin tưởng mình. Để làm được điều ấy, bản thân cô luôn lấy mình làm tấm gương khi dạy chữ cũng như dạy người. Phương pháp cô dạy văn, truyền thụ đến học trò bằng cách tinh giản kiến thức. Trong một tác phẩm văn chương, cô thường lấy một đoạn trọng tâm thâu tóm và xuyên suốt cả tác phẩm, tạo điểm nhấn để giảng dạy cho học sinh dễ hiểu, dễ thuộc. Cô cũng không yêu cầu các em phải ghi chép nhiều.
Cô cho rằng, nếu các em mải mê ghi, sẽ giảm đi cảm nhận được lời hay, ý đẹp của tác phẩm. Làm sao cho các em cảm thụ tốt nhất là cách cô luôn hướng tới. Chỉ khi nào cần thiết, cô mới yêu cầu học sinh ghi chép. Say sưa soạn giáo án, cô còn chủ động tìm các tác giả có bài in trong sách giáo khoa hiện đang còn sống để có cảm nhận riêng, thêm nguồn tư liệu cho bài giảng thêm sinh động.
Chính cách dạy đó khiến nhiều em học sinh sau khi ra trường vẫn còn nhớ những tiết học sâu lắng cô đã từng giảng cho mình và họ càng tin tưởng yêu quý cô hơn. Đó là phần thưởng cao quý là niềm hạnh phúc nhất của nhà giáo. Nhà văn M.Gooki từng nói: Văn học là nhân học!
Đằng sau những bài giảng văn của cô giáo là tình yêu thương và niềm tin tưởng khích lệ dìu dắt của người mẹ, người chị đó là điều mà các thế hệ học sinh ra trường cảm nhận được...
Vẹn nguyên tình đầu với liệt sĩ
Tình cảm trong sáng giữa cô gái Chu Lưu Quang (Sau này khi dấn thân vào con đường sáng tác thơ cô lấy bút danh là Chu Thị Linh Quang) và chàng trai Đào Đức Định từ những tháng ngày học chung dưới mái trường phổ thông. Tình yêu của họ lớn dần theo năm tháng. Sau đó, Định lên đường vào Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
“Trước ngày đi, anh cầm tay tôi hẹn ngày chiến thắng sẽ trở về. Tôi nhìn anh âu yếm: Em sẽ đợi anh về. Anh trìu mến thì thầm: Nếu chờ đợi quá lâu em yêu ai lấy ai anh không phản đối, chỉ sợ em chờ anh mà lỡ dở tình duyên. Tôi chỉ biết nắm chặt tay anh, nước mắt rưng rưng hứa nhất định đợi ngày anh về”, cô Quang nghẹn ngào nhớ lại.
Ở quê nhà, cô giáo Quang chú tâm vào công việc dạy văn ở Trường cấp 3 Tùng Thiện và sau này ở trường PTTH Sơn Tây. Những khi trống vắng, cô lại tìm tới những câu thơ để nhớ về tình yêu đầu tươi đẹp, hy vọng về “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” khi anh trở về.
Những buổi trưa mùi hoa ngọc lan vương vấn trang vở mà Định đã lén để vào, những chiều lội sông Tích leo lên đồi Cao hái sim hái hoa, hai đứa ngồi hát và đọc thơ cho nhau nghe, cái tối đơn vị tân binh hành quân qua thị xã hai đứa chỉ kịp nắm tay nhau trong mưa, trong gió, cái đêm chia tay Định thề và hứa “Đi chỉ có tiến chứ không lùi, một là xanh cỏ hai là đỏ ngực”. Và hai đứa vừa cười vừa khóc...
Nhưng hi vọng đã trở thành nỗi đau. Năm 1971, cô và gia đình nhận được giấy báo tử: Đào Đức Định đã hy sinh. “Bao nhiêu kỉ niệm những ngày bên anh lại hiện về. Những lá thư viết vội anh gửi cho tôi từ chiến trường. Ngoài những lá thư, kỉ vật chỉ còn là một tấm ảnh duy nhất của anh trên báo Cựu chiến binh thành phố Hố Chí Minh chúng tôi tìm được”, cô trải lòng.
Gác lại những đau thương, cô ngày ngày lên lớp và giành thời gian thăm gia đình liệt sĩ Định, để động viên an ủi bà mẹ. Từ ấy, cô coi gia đình anh là ngôi nhà thứ 2 của mình. Cụ Cúc, mẹ liệt sĩ Định năm nay đã tròn trăm tuổi vẫn còn minh mẫn, mạnh khỏe coi cô như con trong nhà. Chiều chiều cụ lại mong ngóng, cô Linh Quang sang chơi để cụ vợi bớt những đau thương về sự hy sinh của người con trai mình…
Những lúc chỉ có hai mẹ con, nhớ liệt sĩ Định, hai người phụ nữ lại lặng lẽ khóc. Kể từ ngày liệt sĩ Định hy sinh, ngần ấy năm, cô sống trong khắc khoải. Nhiều người khuyên cô nên tìm và đón nhận một mái ấm. Nhưng trong cô luôn ám ảnh bởi lời thề, hẹn ước với người đã khuất, trước ngày anh ra mặt trận. Câu chuyện nhắc chúng ta về một thân phận, một bi kịch trong chiến tranh với sự mất mát, nỗi buồn nhưng cũng thấm đẫm tình đời, tình người và nhân văn sâu sắc./.