Giao thừa năm ấy Bác đến chùa Trầm

Kể từ Tết Ðộc lập đầu tiên của đất nước - Tết Bính Tuất 1946, tới Tết cuối cùng trước lúc Người đi xa - Tết Kỷ Dậu 1969, Bác Hồ đã cùng đón 24 Xuân với đồng bào, chiến sĩ cả nước.
7b8b97d2-c27c-4c99-95cb-2a3208680a9d-1643612755.jpg
Bác Hồ và đội bảo vệ trên đường đi kháng chiến

Trong đó, Tết Đinh Hợi 1947, Tết đầu tiên sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ và cả dân tộc đón một mùa xuân mới rất đặc biệt…

Cơm độn sắn trong Tết kháng chiến

Những ngày Tết cổ truyền cách đây tròn 75 năm ấy, theo như hồi ký của ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác thì vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn tất bật với các công việc như hằng ngày và vẫn ăn ngày hai bữa cơm độn sắn, như bữa ăn bình thường của một gia đình nông dân nghèo Việt Nam. Ngày 20-1-1947, tức 29 Tết Âm lịch, Người làm việc với đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Bác hỏi tình hình chuẩn bị Tết cho các chiến sĩ ở Liên khu 1 Hà Nội và căn dặn các đồng chí trong Bộ Quốc phòng cần phải có kế hoạch cụ thể để đưa các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô ra khỏi Hà Nội khi không thể giam chân địch trong thành phố được nữa, để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài.

Chiều tối Ba mươi Tết, Bác chủ trì họp phiên Tất niên của Chính phủ trong bầu không khí ấm cúng và quyết tâm kháng chiến tại phủ Quốc Oai. Cùng dự hôm ấy còn có cụ Bùi Bằng Đoàn và linh mục Phạm Bá Trực, đại diện cho Ban Thường trực Quốc hội, càng làm cho phiên họp cuối năm của Chính phủ thêm ý nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn chấn nói rằng: “Tôi chỉ lo hai cụ không đến được. Hôm nay có mặt thế này là thắng lợi! Đại thắng lợi!”.

Tại phiên họp trước thềm năm mới này, Bác đã nhấn mạnh đến những nhiệm vụ quan trọng cần phải có kế hoạch làm gấp, như: Tổ chức tốt việc di cư, tản cư; công tác động viên nhân dân và đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Trước lúc bế mạc, mọi người còn được nghe bài thơ chúc Tết Đinh Hợi của Người…

“Năm mới, xin Cụ mấy chữ”

Kết thúc phiên họp Chính phủ, Bác lên xe đi thẳng đến Đài Tiếng nói Việt Nam đang đặt tại chùa Trầm (nay thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) để kịp đọc lời Chúc mừng năm mới gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Lúc này đã đêm muộn, trời rét, đường lại lầy lội nhưng Bác vẫn động viên mọi người đi cho kịp đến trước giờ Giao thừa. Có lúc xe của Bác bị ngập bùn quá nửa bánh.

Đến gần 12 giờ đêm, trong lúc mọi người, mọi nhà đang quây quần sum họp trước phút chuyển giao năm cũ và năm mới thì Bác cũng vừa đến nơi. Bác vui vẻ thăm hỏi mọi người rồi đi thẳng đến buồng máy, đọc lời Chúc mừng năm mới. Giọng của Bác âm vang qua làn sóng điện với lời thơ lay động, thúc giục lòng người:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”

Lời Chúc mừng năm mới của Người truyền đi cũng là lúc tiếng pháo nổ râm ran khắp nơi. Trong không khí ấm cúng, thiêng liêng của thời khắc đất nước vừa sang Xuân, Bác thân mật nói chuyện với anh chị em đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sư cụ trụ trì chùa Trầm sau khi xin yết kiến Bác đã tặng Người mâm bánh chưng, bày tỏ chút lòng thành của nhà chùa. Người cảm ơn sư cụ, xin nhận bánh và nói: “Chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công”.

Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, của lòng thành tâm, sư cụ thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thưa Cụ Chủ tịch, chẳng mấy khi Cụ đến, nhân năm mới, xin Cụ mấy chữ để dán trước cửa chùa”. Bác vui lòng dùng bút lông và nghiên mực đã được mài sẵn, viết mấy chữ Hán trên giấy hồng điều thành đôi câu đối: Kháng chiến tất thắng/Kiến quốc tất thành.

Bên trái câu đối, Người viết một dòng chữ nhỏ: Đinh Hợi Nguyên đán.

Chia tay sư cụ trụ trì chùa Trầm và cán bộ, phóng viên, nhân viên của đài, Bác lên xe trở về nơi ở tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).

Xe chạy đến cách nơi ở chừng 2km thì bị sa lầy, không chạy được nữa. Bác và anh em cùng nhau đi bộ dưới trời mưa rét đêm Giao thừa ấy. Đến 3 rưỡi sáng Mồng Một Tết, Bác mới về đến nơi ở. Xuân về nhớ lại câu chuyện hơn 70 năm trước, càng yêu kính Bác hơn…./.