Giám sát chặt dư lượng, chất lượng là mấu chốt tạo sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, để đảm bảo xuất khẩu bền vững, cần giám sát chặt dư lượng, chất lượng nông sản, đồng nghĩa kiểm soát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…, nếu để vi phạm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm sức cạnh tranh.
du-luong-nong-san-03-1712735487.jpg
Để đảm bảo xuất khẩu bền vững, cần giám sát chặt dư lượng, chất lượng nông sản, đồng nghĩa kiểm soát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… (Ảnh minh họa)

Giám sát chất lượng nông sản từ vùng trồng

Tại buổi làm việc với Cục bảo vệ thực vật (BVTV) về công tác mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào sáng ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đề nghị Cục sớm hoàn thiện đàm phán với các thị trường đã gửi hồ sơ để xử lý các rào cản kỹ thuật, trong đó chú trọng tính khả thi, dễ thực hiện.

“Chúng ta cần đàm phán trên góc độ cả 2 bên cùng có lợi, có sản phẩm trao đổi với nhau như đã làm thời gian qua. Với những thị trường có thể mở cửa nhưng tiềm năng chưa nhiều cần xem xét, đánh giá kỹ”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, để đảm bảo xuất khẩu bền vững, cần giám sát chặt dư lượng, chất lượng nông sản, đồng nghĩa kiểm soát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…, nếu để vi phạm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm sức cạnh tranh.

du-luong-nong-san-01-1712735528.jpg
Thứ trưởng Hoàng Trung làm việc với Cục BVTV về công tác mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào sáng ngày 10/4. (Ảnh Tùng Đinh)

Về các thị trường cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh đến Trung Quốc, vì đây là thị trường rất quan trọng, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm trồng trọt.

Theo đó, 2 mặt hàng đang đàm phán là sầu riêng đông lạnh và dừa cần đẩy nhanh tiến độ, kết thúc sớm để đi đến ký kết nghị định thư. Đây là những sản phẩm tiềm năng của Việt Nam, nếu mở được thêm thị trường Trung Quốc sẽ giải quyết được khâu đầu ra. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục BVTV làm việc với phía Bộ Y tế để trả lời sớm cho phía Trung Quốc về mặt hàng dược liệu.

Với các mặt hàng nông sản đã có nghị định thư xuất khẩu, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu chuẩn hóa lại theo đề xuất của phía Trung Quốc. “Hiện nay đã chuẩn hóa được chuối và dưa hấu, còn mít, vải, chôm chôm, xoài, thanh long cần tổ chức góp ý sớm. Tinh thần là không gây cản trở, đảm bảo cơ sở khoa học, tính khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Hoàng Trung trao đổi thêm.

Kiểm soát dư lượng thuốc BVTV tại các vùng trái cây xuất khẩu chính

Cũng với thị trường này, Thứ trưởng đề nghị cần có biện pháp giám sát chặt chẽ dư lượng, chất lượng của nông sản, tuân thủ các quy định của phía nhập khẩu để không vi phạm, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu.

“Có thể các sản phẩm xuất khẩu chủ lực phải được kiểm tra trước khi xuất khẩu, nhưng cần đánh giá kỹ vì sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Hoàng Trung gợi ý, ông cũng đưa ra phương án Cục BVTV có thể hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV cho các vùng sản xuất trái cây xuất khẩu chính.

du-luong-nong-san-02-1712735561.jpg
Những vùng sản xuất nông sản an toàn tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh cho nông sản. (Ảnh minh họa)

Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng, Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết sẽ xem xét việc xây dựng hướng dẫn chung cho các địa phương. Ngoài ra, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai mã QR trên từng sản phẩm để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, uy tín và có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình.

Với các thị trường khác, Thứ trưởng chỉ đạo tập trung đàm phán sản phẩm chanh leo cho thị trường Hoa Kỳ, ngoài ra là vấn đề xử lý chiếu xạ, nếu cần thiết phải tổ chức làm việc trực tiếp để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó là đàm phán với phía Hàn Quốc để mở cửa cho sản phẩm bưởi của Việt Nam và dưa vàng của bạn.

Sản phẩm bưởi cũng đang được đàm phán với phía Nhật Bản, tuy nhiên Thứ trưởng đề nghị xem xét phương án xử lý bằng hơi nước nóng vì sẽ ảnh hưởng đến vỏ, chất lượng quả cũng như thời gian bảo quản.

Ngoài ra, Cục BVTV cũng được chỉ đạo làm việc với đối tác Nhật Bản về việc chuyển giao công tác giám sát các biện pháp xử lý, có thể thực hiện tại Việt Nam để giảm chi phí cho doanh nghiệp./.

Trọng Bình