Từ ngày 1/1/2025, người dân trên cả nước sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp để biến nguồn rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ dưới dạng quy mô nông hộ là điều cần thiết hiện nay.
Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Văn phòng thường trực tại Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT), trung bình mỗi người thải ra khoảng 1kg chất thải rắn, trong đó khoảng 50-70% là chất thải hữu cơ như thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn,… thải bỏ sau sơ chế, chế biến món ăn.
Vì vậy, việc truyền thông để người dân vùng nông thôn cũng như thành thị thực hiện phân loại rác sinh hoạt, khuyến khích tận dụng chất thải thực phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi là điều cần thiết.
Theo TS Nguyễn Văn Bắc, thời gian qua, Trung tâm khuyến nông các địa phương cũng đã có những giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải, biến rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ. Tuy nhiên, chủ yếu mới tập trung nhiều ở khu vực phía Bắc.
Nói về giải pháp để ủ phân hữu cơ tại nông hộ, TS Nguyễn Văn Bắc cho biết, có thể sử dụng thùng ủ rác hữu cơ đạt chuẩn, phối hợp với vi sinh để hỗ trợ tăng tốc độ phân hủy rác, tạo ra phân chất lượng, kiểm soát mùi hôi, côn trùng, tiết kiệm không gian thời gian, thúc đẩy thói quen xử lý rác thải hữu cơ, giảm chi phí mua phân bón, bảo vệ môi trường.
“Nhờ thiết kế tối ưu, điều kiện lý tưởng về độ ẩm, nhiệt độ, luồng không khí của các loại thùng ủ đạt chuẩn, quá trình phân hủy diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn. Điều này giúp giảm thiểu thời gian, công sức cần thiết để xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ chất lượng cao, giàu dinh dưỡng, an toàn cho cây trồng”, TS Nguyễn Văn Bắc nói và cho biết, bằng cách tự tạo phân hữu cơ, các hộ gia đình, cơ sở nông nghiệp có thể giảm chi phí mua phân bón hóa học, giảm sự phụ thuộc vào nó. Phân hữu cơ tự làm không chỉ an toàn cho cây trồng mà còn giúp tiết kiệm khoản chi phí đáng kể.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng gần 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt gồm chất thải hữu cơ và chất thải rắn vô cơ. Nhưng có tới 65% tổng lượng chất thải này đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.
Hiện nay, nhiều địa phương đang triển khai mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón ở hộ gia đình và cộng đồng dân cư". Bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi tư duy, hành động của người dân về phân loại rác thải, hướng đến sử dụng nguồn phân bón hữu cơ an toàn trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tại xã Xuân Hòa (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là địa phương được Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa chọn để triển khai xây dựng mô hình với 50 hộ tham gia, các hộ được hỗ trợ 100 thùng phân loại rác, chế phẩm vi sinh để ủ rác hữu cơ thành phân bón và 1 xe thu gom rác cho tổ tự quản bảo vệ môi trường, đồng thời, được tập huấn, hướng dẫn cách phân loại, thu gom, xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng.
Hiện, việc thu gom, ủ rác thải thành phân hữu cơ đã góp phần hình thành ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải trong một bộ phận gia đình cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hơn nữa, khi đã hình thành thói quen nề nếp, tự giác, mô hình thu gom rác thải hữu cơ, xử lý thành phân bón góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới ở nơi đây.
Từ khi thực hiện mô hình này, nguồn rác hữu cơ đã được các hộ xử lý thành phân bón dùng vào việc chăm sóc cây trồng, cải tạo đất và góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí trong việc mua phân bón. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất đó là góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu chi phí cho nhà nước trong việc xử lý rác thải.
Theo các hộ dân tham gia mô hình cho biết, trước đây mọi rác thải sinh hoạt của gia đình đều đổ chung vào bao tải để công ty môi trường thu gom. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ vật tư để phân loại và ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, các gia đình đã hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải. Rác tái chế (các loại giấy thải, nhựa, vỏ lon…) bỏ riêng, thức ăn thừa, một phần dùng chăn nuôi, cùng với các loại bã chè, bã cà phê, cây cỏ, lá rụng ngoài vườn, được thu gom lại bỏ vào hố, dùng chế phẩm vi sinh để ủ thành phân bón.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, đại diện Hội Nông dân xã Xuân Hòa cho biết, là xã NTM kiểu mẫu của huyện nên công tác môi trường rất được lãnh đạo xã và người dân chú trọng, quan tâm, các hộ dân trong xã đều đã có ý thức thu gom, phân loại rác để đúng nơi quy định, có 100 hộ xây dựng bể ủ rác hữu cơ. Tại các ngã ba, ngã tư và đầu đường liên thôn, liên xã đều lắp camera an ninh, lắp bình chữa cháy tại các thôn và hộ gia đình, bộ mặt của xã ngày càng đổi mới "Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn"./.