Quảng cáo #128

Có một thời như thế, ký ức và niềm tin

Triển lãm và Tọa đàm “Ký ức và niềm tin” đã góp phần lan toả những ký ức, kỷ niệm của các cựu chiến binh về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, cống hiến hết mình cho cách mạng, đồng thời truyền động lực cho lớp trẻ ngày nay tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước.
trien-lam-dnktx1-1734595855.jpg
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (giữa) tri ân nhân vật tham gia toạ đàm "Có một thời như thế" là các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ.

Khi Tổ quốc gọi, họ sẵn sàng lên đường bảo vệ đất nước với niềm tin chiến thắng

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” khai mạc triển lãm “Ký ức và niềm tin”. Chương trình hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Chương trình bao gồm 3 hoạt động chính: Tọa đàm “Có một thời như thế”; tiếp nhận kỷ vật chiến tranh và khai mạc triển lãm “Ký ức và niềm tin”.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, trong ký ức hào hùng của dân tộc và của mỗi thế hệ người dân Việt Nam, những "người lính Cụ Hồ" dù là nam hay nữ, từ những vùng thôn quê hay thành thị; là học sinh, sinh viên, người thợ hay người thầy,… khi Tổ quốc gọi, họ sẵn sàng lên đường bảo vệ đất nước với niềm tin chiến thắng. Chính những niềm tin ấy đã thắp sáng ý chí và sức mạnh bền bỉ của dân tộc trong những năm tháng vệ quốc vĩ đại. 

Khi hoà bình lập lại, những cựu chiến binh và thân nhân của họ một lần nữa vượt qua đau thương, mất mát của chiến tranh bằng niềm tin và nghị lực. Ký ức đẹp đẽ và niềm tin vào tương lai chính là chìa khóa để người Việt Nam đi qua chiến tranh, dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường.

trien-lam-dnktx5-at-1734595969.jpg
Những nhân vật giao lưu tại Tọa đàm như những ký ức hào hùng của dân tộc.

Triển lãm “Ký ức và Niềm tin” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện từ những tài liệu, hiện vật quý đã được sưu tầm trong gần 20 năm qua. Triển lãm gồm ba chủ đề: “Sẵn sàng lên đường”, “Niềm tin chiến thắng” và “Ngày trở về”. Chất liệu chính trong triển lãm là những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện và thước phim sống động về những ký ức hào hùng của dân tộc.

Qua gần 200 hình ảnh, hiện vật gốc trong đó có những kỷ vật tiêu biểu như: Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin về ngày đoàn tụ hay chiếc kèn Harmonica mà người chiến sĩ đã dùng thổi bài “Vì nhân dân quên mình” cạnh quả bom hẹn giờ để động viên tinh thần đồng đội… giúp công chúng hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu và những khó khăn, gian khổ trong những năm kháng chiến. Triển lãm cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa “hậu phương” - “tiền tuyến”; qua đó gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp hãy sống có ước mơ, hoài bão, niềm tin, hãy tiếp bước cha anh “Sống một đời đáng sống”.

trien-lam-dnktx4-at-1734596513.jpg
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc.

Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp nhận những kỷ vật chiến tranh do chính các cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sĩ trao tặng. Đó là những bức tranh, những trang thư và dòng nhật ký, hay kỷ vật vô giá còn thấm đẫm tinh thần của một thời hoa lửa. Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, những hiện vật này sẽ được Bảo tàng trân trọng lưu giữ và tiếp tục phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, tri ân những đóng góp và hy sinh của thế hệ cha ông vì nền độc lập tự do.

Tại Tọa đàm “Có một thời như thế” là cuộc gặp gỡ giữa 4 nhân vật: bà Hoàng Thị Kim Vinh - cựu Thanh niên xung phong (TNXP) của Đại đội 812 (Đội TNXP Thủ đô N43, Bộ Giao thông vận tải); ông Nguyễn Tiến Lịch - từng là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5 – Đoàn Dũng sĩ Cát Bi; bà Nguyễn Thị Bảo Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Doanh nhân CCB Việt Nam; ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, con trai của Thiếu tướng Hoàng Đan - nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng.

trien-lam-dnktx2-at-1734596179.jpg
Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền với 21 năm trong quân ngũ hồi tưởng lại ký ức một thời.

Ký ức vẫn vẹn nguyên

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Uỷ viên BCH  Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Doanh nhân CCB Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê hồi tưởng lại: Năm 1971, khi tôi 14 tuổi tôi đã vào trường Thiếu sinh quân ở Xuân Mai, Hà Nội. Lần đầu tiên xa gia đình, xa cha mẹ, xa bạn bè và những gì thân thuộc, gắn bó mười mấy năm trời, trong tôi rất nhiều cảm xúc. Lúc đầu là khóc vì nhớ nhung sau đó chính niềm tin và ước mơ thuở nhỏ được trở thành cô bộ đội đã thôi thúc, tiếp cho tôi nghị lực. Tôi chỉ mong thời gian trôi mau đến ngày tôi đủ tuổi vào chiến trường, được đóng góp công sức cho ngày thống nhất đất nước thống nhất.

Đối với tôi, người từng là cựu quân nhân, nữ doanh nhân. Hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng, ký ức trong tôi vẫn vẹn nguyên. Bởi tôi tham gia quân ngũ những năm chiến tranh khốc liệt nhất. Thời điểm Mỹ đánh phá, leo thang miền Bắc. Đối với tôi khi vào chiến trường, chưa hình thành được ý thức, tôi còn chưa được nhìn thấy bản đồ tổ quốc. Nhưng tôi rất mê bộ quân phục của người lính. Do vậy, tôi quyết định lựa chọn, tham gia quân đội.

trien-lam-dnktx3-at-1734596290.jpg
Triển lãm trưng bày hình ảnh về bà Nguyễn Thị Bảo Hiền rời áo lính khoác áo doanh nhân.

Trong quá trình công tác bên quân đội, tôi ý thức mình phải có trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc. Ngày ấy, tôi được phân công công tác làm lính báo vụ của đơn vị phòng không, không quân. Tôi tự nhân thấy mình có ý chí rèn luyện, phấn đấu. Những năm tháng đó chứng kiến nhiều biến động của đất nước. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước với cùng khốc liệt thời điểm B52 đánh phá Miền Bắc, tôi được phân công đi dọn chiến trường tại bệnh viện Bạch Mai, Phố Khâm Thiên... Những hình ảnh tàn khốc đó, đến giờ tôi không bao giờ quên được. Sau khi rời quân ngũ, tôi lựa chọn đi theo con đường kinh doanh, trở thành doanh nhân như bây giờ.

trien-lam-dnktx6-at-1734596590.jpg
Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền và những người bạn bên góc trưng bày về mình một thời chưa xa.

Không hổ danh nữ quân nhân với 21 năm trong quân ngũ, trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng tôi luôn biết ơn những năm tháng đó để tôi có được như ngày hôm nay. Tôi đã từ một cô bé rụt rè, nhút nhát thành một doanh nhân can trường chốn thương trường. Những kỷ luật trong quân đội đã tôi luyện tôi thành người bản lĩnh, kiên cường và có ý chí chiến đấu. Để đến hôm nay, mỗi lần gặp khó khăn, thử thách tôi tự nhủ phải bằng mọi cách vượt qua, để không hổ danh nữ quân nhân./.

Tuấn Trần