Ngày (27/6), giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 67,95- 68,65 triệu đồng/lượng.
So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước tăng nhẹ 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, còn ở chiều mua vào vẫn giữ nguyên như tuần trước. Còn so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm 5,75 triệu đồng mỗi lượng.
Hiện, biên độ giá mua và bán vàng được duy trì ở khoảng 700.000 đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với mức chênh 800.000 đồng mỗi lượng của tuần trước.
Giá vàng thế giới ngày 27/6 đang ở mức 1.836 USD/ouce, giảm hơn 7 USD/ounce so với 1 tuần trước.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 53,75- 54,7 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng so với đầu tuần trước.
Thị trường vàng trong nước đầu tuần giao dịch khá trầm lắng. Với biên độ chênh lệch mua - bán như hiện tại, gần như thị trường không có cơ hội cho nhà đầu tư mua bán vàng trong ngắn hạn.
Hiện, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 51,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 16,8 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng trang sức khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.
Thời gian gần đây, khi giá vàng trong nước luôn duy trì khoảng cách quá xa (cao hơn 16 - 18 triệu đồng/lượng) so với giá vàng thế giới, vấn đề thay đổi cách quản lý thị trường vàng được đặt ra để phù hợp với tình hình mới. Việc ngay lúc này cho nhập khẩu vàng để kéo giảm giá vàng từ gần 70 triệu xuống còn 50 triệu đồng/lượng, có thể lợi bất cập hại. Tất nhiên, nếu giá vàng trong nước sát với thế giới, ai cũng thấy có lợi cho người mua vàng sau này, nhưng người đã mua với giá cao trước đây chắc hẳn sẽ cảm thấy nhiều mất mát.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng Chính phủ cho nhập khẩu vàng trở lại thì nền kinh tế sẽ được gì? Nền kinh tế Việt Nam phải tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, dùng ngoại tệ nhập vàng để người dân mua cất giữ có phải là biện pháp tốt? Hơn nữa, có thể ảnh hưởng tới mục tiêu tránh "vàng hóa" nền kinh tế.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay vừa mở cửa giao dịch ở mức 1.834 USD/ounce, sau đó giá vàng nhich nhẹ lên 1.836 USD/ounce. Xu hướng của giá vàng tuần này vẫn được giới phân tích đánh giá là chưa rõ ràng và đang tiếp tục giằng co trong vùng 1.800 USD/ounce đến 1.850 USD/ounce.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 4,1 USD lên 1.826,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2022 trên sàn Comex New York tăng 0,5 USD lên 1.830,3 USD/ounce.
Yếu tố chính tác động đến tâm lý nhà đầu tư vẫn là những động thái điều chỉnh lạm phát của các nhân hàng trung ương lớn.
Kết quả khảo sát vàng tuần này của Kitco News cho thấy, có 26% nhận định giá sẽ tăng, 32% dự báo giá vàng sẽ giảm, 42% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, có 44% trong tổng số 681 người tham gia các cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main cho rằng giá vàng sẽ tăng, 27% dự báo giá vàng sẽ giảm, 29% bỏ phiếu cho khả năng giá vàng đi ngang.
Nhiều nhà phân tích coi giá thấp hơn là một cơ hội mua vì sự không chắc chắn và biến động thị trường sẽ vẫn là những đặc điểm nổi trội trong bối cảnh tài chính.
Chuyên gia phân tích cấp cao của Kitco Metals nhận định, thị trường vàng còn đang gặp lực cản từ những đồn đoán rằng sự giảm tốc của nền kinh tế, điều này ảnh hưởng tới nhu cầu mua vàng.
Chuyên gia của Bannockburn Global Forex cũng dự báo giá vàng vẫn tiếp tục xu hướng đi ngang trong tuần này. Ông cho rằng, lãi suất và USD giảm nhẹ có thể giúp vàng phục hồi từ mức thấp nhất trong tuần qua. Tuy nhiên, kim loại quý vẫn sa lầy trong khung giá đi ngang.