Làn sóng phá bỏ vườn điều đang diễn ra trên diện rộng tại các xã của huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Trên mọi ngả đường, hình ảnh những vườn điều bị chặt phá đã trở nên quen thuộc. Những năm qua, cây điều liên tục mất mùa, mất giá khiến thu nhập của các hộ dân vùng biên giới này ngày càng đi xuống. Không còn cách nào khác, người dân buộc phải phá bỏ vườn điều để chuyển sang trồng cây khác nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Ông Hà Văn Mừng (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) vừa chặt hết một nửa vườn điều 3ha. Nhiều năm gắn bó với cây trồng này, ông Mừng cũng không nỡ xuống tay, nhưng suốt 3 năm gần đây, giá hạt điều giảm gần một nửa, năng suất chỉ còn 30% nên gia đình không thể cố cầm cự. Mấy năm trước, 3ha là thu được 200 triệu, nhưng từ khi mất mùa, giá cả biến động thì ông phá dần. Ông dự kiến sẽ trồng lúa trên đất vườn điều vừa bị chặt.
Ghi nhận cho thấy, việc phá bỏ cây điều đang diễn ra rộng khắp trên địa bàn các xã biên giới La Lâu, La Ga, La Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Riêng tại xã La Piơr, từ cuối 2022 tới nay, đã có 300 ha đã bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cây ngắn ngày như lúa, sắn, ngô…
Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã La Piơr cho biết, hiện nay, địa phương chưa có định hướng cụ thể và trợ giúp hiệu quả cho người dân trong chuyển đổi cây trồng. Việc trồng cây ngắn ngày trên diện tích đất trồng điều cũ chỉ là giải pháp tình thế. Quan điểm của xã là vận động, tuyên truyền người dân, diện tích nào mà hiệu quả thì giữ lại chăm sóc để cây không chết, không bỏ cây. Những diện tích nào bằng phẳng, cày được thì trồng cây mì, khô… tức là cây ngắn ngày. Còn diện tích mà đảm bảo được nước thì trồng cây ăn trái.
Ông Tiến cho biết, có 2 lý do khiến người dân quyết định phá bỏ vườn điều sau nhiều năm gắn bó. Thứ nhất, do thời tiết bất lợi nên cây điều xuất hiện nhiều sâu bệnh dẫn đến việc mất mùa. Thậm chí, những diện tích vừa bị phá bỏ, trong 3 năm trở lại đây gần như không có thu. Thứ 2, do giá cả xuống thấp, dao động chỉ khoảng 20 ngàn đồng/kg, một năm người dân chỉ thu được hơn 20 triệu đồng/ha, chưa tính chi phí đầu tư, công chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông cho biết, những năm qua, thời tiết thất thường nên cây điều cho năng suất thấp, chỉ đạt 5 - 8 tạ/ha. Chính vì vậy, người dân đã tự phá phá bỏ cây điều để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn.
Từ thực trạng trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo, người dân cần chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp với điều kiện thị trường, góp phần tạo thu nhập ổn định trên diện tích sản xuất, cần thay đổi tập quán sản xuất từ việc ít đầu tư thâm canh chuyển sang áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, đặc biệt là sử dụng các biện pháp kích thích điều ra hoa tập trung, mặt khác cần đầu tư phân bón theo quy trình kỹ thuật để bón cho điều. Đưa các giống điều có năng suất, chống chịu sâu bệnh gây hại vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích./.