Gia Lai: Năng suất và giá bán giảm, người dân lo lắng mất mùa điều

Thời điểm này, tỉnh Gia Lai đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch hạt điều, tuy nhiên năng suất và giá bán điều đều giảm so với năm ngoái khiến hàng trăm hộ nông dân tỏ ra lo lắng trước nguy cơ mất mùa điều. Nguyên nhân do thời điểm cây điều ra hoa thì gặp trời mưa và không khí lạnh bất thường khiến tỷ lệ đậu quả đạt thấp.

Theo ghi nhận, những vườn điều ở làng Jăng Blo, xã Ia Khai, huyện Ia Grai đã chín quả và bắt đầu rụng. Nhìn những chùm điều lác đác quả, chị Siu Loen buồn bã vì biết năng suất năm nay kém hơn năm ngoái.

Chị Loen cho biết, năm ngoái, cũng vườn điều 1 ha này, chị thu được 1,5 tấn, bán được giá 28.000 đồng/kg, có lúc 29.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, chị ước tính, vườn chỉ được khoảng hơn 1 tấn hạt. Với mức giá đầu vụ 26.000 đồng/kg, thu nhập từ vườn điều của gia đình bị giảm đáng kể. Năm nay, điều quả ít, nhỏ. Lúc điều ra hoa thì nhiều, nhưng không đậu được trái.

dieu-2-1676966944.jpg
Năng suất và giá cả điều năm nay đều giảm so với năm ngoái. (Ảnh: VOV)

Bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai, huyện Ia Grai cho hay, cùng với cao su, điều là cây trồng chủ lực tại xã, với tổng diện tích gần 1000 ha. Với đặc tính dễ chăm sóc, đầu tư ít, nên đây là cây trồng phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Thời gian qua, cây điều đang mang lại thu nhập tương đối ổn định, giúp bà con cải thiện cuộc sống. Năm nay, tình trạng mất mùa, cùng giá cả sụt giảm, đang cho thấy một vụ mùa không mấy lạc quan.

Ông Rơ Châm Phinh (làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai) đang cùng mấy người con ra vườn thu hoạch hạt điều. Với nét buồn phảng phất trên khuôn mặt, ông Phinh rầu rĩ nói: “Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán mấy ngày là cả gia đình tập trung thu hoạch hạt điều. Mấy năm trước, quả rụng kín gốc, không cần dùng sào hái mà chỉ đi lượm thôi. Năm nay chỉ lác đác vài cây cho quả, còn lại ra hoa rồi rụng. Ước chừng gần 200 cây điều này chỉ thu được 7-8 tạ hạt, không thể đạt 1,2 tấn như năm ngoái. Trong khi đó, giá hạt điều đầu vụ chỉ ở mức 22 ngàn đồng/kg. Mình đang lo không đủ tiền trả nợ mua phân bón”.

dieu-1676966773.jpg
Người dân cho biết, cây điều đang ra hoa mà gặp mưa với lạnh thì đậu quả sẽ ít. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Cũng theo ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, hiện nay, địa phương có diện tích cây điều lớn nhất tỉnh Gia Lai, với khoảng 6.000 ha. Sản phẩm hạt điều của huyện có vị béo, vỏ mỏng, rất được thị trường ưa chuộng. Nhưng hiện nay liên kết giữa nông dân trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều mới ở giai đoạn sơ khởi. Nông dân vẫn phụ thuộc vào việc thu mua nhỏ lẻ của thương lái, không chủ động được giá cả và thường lâm vào tình cảnh được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa hoặc vừa mất mùa, vừa bán giá thấp như hiện nay. Phòng đã khuyến cáo bà con ở các xã có diện tích điều lớn thực hiện thâm canh, tăng năng suất. Đối với những diện tích điều đã già cỗi thì vận động bà con tái canh, đưa giống điều năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hại và chống hạn, giúp bà con có thu nhập cao hơn.

Ngày 07/1, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động 2022 và định hướng 2023. Theo báo cáo của VINACAS, năm 2022 có thể nói đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm của ngành điều, từ năm 2011 - 2021. Cả năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu nhân điều đạt giá trị 3,07 tỉ USD, chưa đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỉ USD dù đã điều chỉnh giảm khoảng 600 triệu USD so với mục tiêu ban đầu là 3,8 tỉ USD.

Các thị trường nhập khẩu hạt điều chính của Việt Nam vẫn là Mỹ, EU, Trung Quốc... Về các sản phẩm điều nhân chế biến sâu, lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vẫn được duy trì so với năm 2021, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điều nhân được chế biến của toàn ngành. Xu hướng giảm chi tiêu cho thực phẩm không thiết yếu như hạt điều do ảnh hưởng của tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế dự báo còn kéo dài sang năm 2023, tiêu thụ sẽ chậm và giá cả khó tăng trong thời điểm này, tình hình xuất khẩu điều nhân giai đoạn 2022 - 2023 xem ra càng khó khăn hơn giai đoạn 2019 - 2021.

Theo dự báo của Hội đồng thông tin VINACAS, tính đến tháng cuối của năm 2022 và năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn từ tình hình kinh tế - chính trị quốc tế; vấn đề lạm phát, suy thoái; chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, biến động tỷ giá USD/VND; tiêu dùng giảm sút, chi phí chế biến ngày càng tăng,...

Ánh Dương (t/h)