Những năm trước, việc thiếu hụt nhân công luôn là bài toán nan giải. Tuy nhiên, năm nay, áp lực nhân công thu hoạch nông sản của các tỉnh Tây Nguyên sẽ được giải tỏa phần nào từ lượng người trở về địa phương từ các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hàng năm, cứ đến khoảng tháng 10, Gia Lai vào vụ thu hoạch một số loại nông sản chủ lực như cao su, cà phê, hồ tiêu. Diện tích 88 nghìn ha cao su thường có nhân công tại chỗ thu hoạch, còn diện tích cà phê và hồ tiêu thường phải thuê nhân công thu hái để kịp tiến độ. Mỗi năm lượng nhân công ngoại tỉnh đổ về Gia Lai chiếm tỷ lệ 2/5 tổng nhân công phục vụ thu hoạch nông sản trên địa bàn. Thậm chí, có những năm khan hiếm nhân công, nông sản để lại trên cây khô quắt, héo úa vì không kịp thu hoạch.
Chị Trần Thị Lệ Thy, thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, Gia Lai cho hay, gia đình có 3 ha cà phê xen canh hồ tiêu, những năm trước đến mùa thu hoạch, ngoài lao động gia đình và khoán đổi công trong xóm chị vẫn phải thuê hàng chục nhân công thu hái từ Bình Định lên. Trước đó, muốn thuê được những nhân công này, gia đình chị phải gọi điện những người quen ở Bình Định tìm người rồi chốt hẹn thời gian để họ bố trí công việc lên thu hoạch cho mình. Năm nào thuê cũng thấp thỏm, nếu đợt nhân công này không lên phải chạy đôn chạy đáo tìm nhân công khác để kịp thu hoạch nếu không cà phê, hồ tiêu sẽ rụng, khô làm giảm sản lượng nông sản.
Theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Gia Lai, ước tính diện tích 1 ha cà phê sẽ tốn khoảng 65 lượt nhân công thu hoạch. Vậy, mỗi năm Gia Lai sẽ cần hơn 6 triệu lượt nhân công để thu hái hết diện tích khoảng 97.000 ha cà phê trên địa bàn (trong đó có khoảng 10 ha cà phê tái canh đang cho thu bói). Cũng tương tự như vậy, với diện tích hồ tiêu khoảng 12.000 ha, tỉnh Gia Lai sẽ cần khoảng 840 nghìn lượt nhân công thu hái (ước tính khoảng 70 lượt nhân công thu hái trên diện tích 1 ha hồ tiêu).
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh hiện có khoảng 600 nghìn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đến mùa thu hoạch nông sản hàng năm, ngoài 3/5 lao động địa phương, để thu hoạch đúng thời gian, Gia Lai cần phải thuê hơn 2/5 nhân công từ các tỉnh lân cận như Kon Tum, Bình Định, Quãng Ngãi... Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết người dân tại các tỉnh có dịch hạn chế di chuyển ra ngoài tỉnh, ngay từ thời điểm đầu năm, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng lo lắng về thiếu nhân công thu hái nông sản năm 2021.
"Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Gia Lai tiếp nhận khoảng 25 nghìn người từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Đây cũng là nguồn lao động sẵn có để hỗ trợ thu hoạch nông sản cho tỉnh nhà mà không cần thuê lao động tỉnh khác đến. Ngoài việc giải tỏa áp lực nhân công, đây cũng là co hội để tỉnh Gia Lai giải quyết nhu cầu việc làm cho hàng chục nghìn lao động trở về từ các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19", ông Có cho biết thêm.
Ông Phạm Hồng Thơm, 45 tuổi, xã Ia Kêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai, cho hay, ông vừa từ Bình Dương trở về địa phương và đã thực hiện cách ly y tế theo quy định. Khi về đến nay, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn và do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa thể kiếm được việc làm. Nay bắt đầu đến mùa thu hoạch cà phê, hồ tiêu nên ông cùng các thành viên trong gia đình đều nhận khoán thu hái nông sản. Một ngày cũng được hơn 200.000 đồng tiền công, gia đình cũng có thêm thu nhập, bớt khó khăn.
Niên vụ 2020-2021, bài toán thiếu nhân công sẽ được cân đối để Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên đủ nguồn lực nhân công thu hoạch nông sản. Đây cũng là cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.