Giá cà phê ngày 23/2: Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng mạnh

Hôm nay 23/2, giá cà phê ở thị trường trong nước tiếp đà tăng mạnh 600 đồng/kg, hiện giá dao động từ 45.600 - 46.500 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước hôm nay

Giá cà phê trong nước ở các tỉnh hôm nay tăng từ 400 - 600 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng tăng 600 đồng/kg, hiện ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà đang được thu mua với giá từ 45.500 – 45.600 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum tăng 400 đồng/kg, cà phê đứng ở mức giá 46.400 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá cà phê thu mua hôm nay cùng tăng 500 đồng/kg, hiện ở mức cao nhất 46.500 đồng/kg.

ca-1677117493.jpeg
Giá cà phê trong nước hôm nay tiếp đà tăng mạnh, hiện cao nhất ở mức 46.500 đồng/kg. Ảnh minh họa (Ảnh: Báo Bình Phước)

Ghi nhận cho thấy, hiện nguồn cung Robusta vụ mới của nước ta cũng đáng lo ngại, do tại một số địa phương, tình trạng mưa phùn, lạnh kéo dài, nhưng lượng mưa không đủ, kèm theo không khí lạnh khiến hoa cà phê bung không đủ độ, có nguy cơ thối và không đậu trái, thậm chí nhiều vườn cà phê bị thiệt hại do sương muối. Thời tiết bất lợi đang là nguyên nhân khiến nhiều loại cây công nghiệp của Việt Nam chịu thiệt hại như cà phê, hồ tiêu...

Giá cà phê thế giới hôm nay 23/2

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London tăng liên tiếp phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 18 USD, lên 2.111 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 16 USD, lên 2.133 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể.

Cùng xu hướng tăng, giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 4,10 cent, lên 189,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 3,90 cent, lên 188,15 cent/lb, các mức tăng khá mạnh.

Kỳ lễ hội Carnival năm nay và thời tiết bất lợi trên diện rộng ở vùng Trung Tây Brazil đã góp phần làm nguồn cung chậm lại, khiến đầu cơ New York phải mua lại hợp đồng trên sàn để tiến hành giao hàng đã kích giá cà phê Arabica tăng mạnh, vượt khỏi mọi suy đoán của các nhà giao dịch.

Các nhà phân tích cho rằng giá có thể đảo chiều một khi các nước đẩy mạnh bán ra, đặc biệt là Brazil.

Ánh Dương (t/h)