Sáng 6/4, tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa long trọng tổ chức Chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Dự chương trình có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phạm Tất Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Quân Khu 4, một số tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
Về phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trịnh Trọng Quyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tham dự chương trình còn có các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; thân nhân các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
Trong buổi lễ tri ân, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời nêu bật niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Bí thư tỉnh ủy nhất mạnh, Chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp tục xây dựng và tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trong không khí trang nghiêm của buổi gặp mặt, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Lãnh tụ kính yêu của dân tộc, linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xin kính cẩn tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Luôn mãi mãi khắc ghi và tri ân công ơn của các mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào yêu nước, đã đóng góp máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân.
Tính chung trong toàn chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến 178.924 người và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động lên đến gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên với 9.000 nghìn tấn gạo chiếm 56% và 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.
Những đóng góp này là sự cố gắng vượt bậc của Nhân dân tỉnh Thanh hóa. Trong điều kiện đời sống của mọi người còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ quyết tâm thực hiện kháng chiến đến cùng, người dân sẵn sàng "đói hơn", vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội, đã cho thấy tinh thần "cả nước cùng ra trận" đúng như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), khi đánh giá về công lao của Nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”./.