Ngày 15/11, báo cáo về tình hình thị trường, Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm tới nay có 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành; các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%. Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152,5 nghìn tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo thị trường trái phiếu của VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 31/10/2022, Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo là doanh nghiệp duy nhất phát hành trái phiếu trong tháng 10 với giá trị 210 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty CP Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10,599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng GTPH) và 413 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 240,761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng GTPH).
Quý 1, khối lượng phát hành TPDN đạt 134,8 nghìn tỷ đồng, quý 2 là 122.400 tỷ đồng, quý 3 là 65.900 tỷ đồng. Trong tháng tháng 10/2022, lượng trái phiếu phát hành chỉ còn 5.800 tỷ đồng.
Trong đó, 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, khối lượng TPDN của các TCTD phát hành lớn nhất, chiếm 41,34%; TPDN bất động sản đứng thứ 2, chiếm 28,87%; TPDN xây dựng chiếm 7,8%.
Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong giai đoạn là 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, trong hai tháng cuối năm 2022 sẽ còn hơn 61.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn. Trong đó, riêng tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỷ đồng TPDN đến hạn.
Theo Bộ Tài chính, trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
Ngoài ra, những tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và TPDN bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiết kiệm.
Liên quan đến việc ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tại Nghị quyết 143 về phiên họp thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết). Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý.
Cùng đó, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong Quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.