TP Sơn La một chiều cuối thu tươi vui rộn ràng. Ấy là khi các Thí sinh Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 cùng hàng nghìn chị em phụ nữ người địa phương trải nghiệm và trình diễn xòe Thái. Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa – nguồn tài nguyên vốn được coi là cái gốc cho du lịch hấp dẫn và bền vững ở Sơn La cũng như các địa phương trong vùng Tây Bắc.
Thí sinh Justine Felizarta, tới từ Philippines bày tỏ: "Hôm nay chúng tôi mặc trang phục truyền thống của người Thái Việt Nam, trang phục này rất đẹp và đây là 1 cách đặc biệt để thể hiện nét văn hóa truyền thống nơi đây".
Trải nghiệm của các thí sinh Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 về Xòe tại TP Sơn La mới chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động được tỉnh Sơn La tổ chức nhằm kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19. Từ việc tổ chức các hoạt động này, cùng nỗ lực truyền thông, quảng bá và tăng cường các sản phẩm du lịch thông mình, có chiều sâu, năm 2022, ngành du lịch Sơn La đã đạt những kết quả ấn tượng, với tổng lượt khách đã đón khoảng 3,2 triệu lượt người, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.800 tỷ đồng, bằng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Một trong số những điểm nổi bật nhất, trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng Sơn La mà là của đất nước Việt Nam, đó là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được vinh danh là "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu Thế giới 2022". Bên cạnh đó, khu du lịch này đồng thời cũng giành 2 hạng mục trên hệ thống giải thưởng du lịch thế giới là "Điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Việt Nam" và "Điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Châu Á" năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng phấn đấu được danh hiệu đã khó rồi, nhưng giữ gìn được danh hiệu còn khó hơn. Vì vậy, trong thời gian tới, Mộc Châu sẽ tập trung quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tiềm năng về lĩnh vực du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo du lịch Mộc Châu thật sự chuyên nghiệp. Và điều quan trọng hơn cả là phấn đấu để Mộc Châu mãi xanh, mãi là điểm thật sự đáng đến của du khách trong và ngoài nước".
Phát huy thế mạnh về du lịch lịch sử, với các di tích về chiến trường Điện Biên trong chiến dịch năm 1954 “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”, sau khi mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quan trọng như: Lễ hội Hoa Ban năm 2022 và Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III; đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình văn hóa đặc trưng như bức tranh Panorama, Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ…
Cộng với việc đường bay thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Điện Biên được khánh thành vào cuối năm trước đó, nên lượng khách du lịch đến Điện Biên trong năm 2022, nhất là du khách từ các tỉnh phía Nam ngày càng tăng, với tổng số trong năm khoảng hơn 810.000 lượt người, tăng gần 3 lần so với năm trước; cho tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 1.400 tỷ đồng…
Bà Trần Thị Liễu, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Sau 16 năm tôi quay trở lại đây, tôi đến thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và tôi thấy mê nhất bức tranh Panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi hình dung được hết ra tất cả chiến thắng này và thật sự rất thích. Nhân viên phục vụ thì rất nhiệt tình, chu đáo, nhã nhặn hướng dẫn cho chúng tôi nên tôi cảm thấy rất đam mê mảnh đất Điện Biên này và đi tham quan tất cả các chỗ".
Tại tỉnh Yên Bái – nơi có đỉnh Khau Phạ nằm trong top các địa điểm chơi dù lượn đẹp nhất Việt Nam; đồng thời, là quê hương của Xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong năm 2022, địa phương cũng đã đón và phục vụ gần 1 triệu 600 nghìn lượt khách, vượt hơn 44% so với kế hoạch năm và tăng gấp đôi so với năm trước; trong đó, khách quốc tế ước đạt 28.000 lượt người; doanh thu ước đạt 1.100 tỷ đồng, vượt hơn 30% kế hoạch năm và tăng gần 125% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, có được kết quả này là nhờ Yên Bái là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước nắm bắt thời cơ đưa du lịch hồi sinh sau đại dịch.
"Tỉnh Yên Bái tập trung hướng dẫn, khuyến khích, tạo mọi điều kiện theo quy định để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có; đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, hấp dẫn riêng có của tỉnh Yên Bái, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc" - bà Vũ Thị Hiền Hạnh chia sẻ.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2022, con số đón tổng cộng 4,5 triệu lượt du khách (riêng khách quốc tế đạt 108.000 lượt), gấp hơn 2 lần so với năm 2021, tổng doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng cho thấy năm 2022 là một năm thành công của ngành Du lịch địa phương.
Năm 2023, cùng với kỷ niệm 120 năm Sa Pa, làn sóng khách du lịch Trung Quốc dự báo phục hồi nhanh chóng khi nước này vừa tái mở cửa vào đầu tháng 1, Lào Cai đã sẵn sàng cho kế hoạch một năm du lịch xanh với chủ đề: "Điểm đến thiên nhiên, an toàn và khác biệt”, hứa hẹn nhiều điều bất ngờ.
"Trước dự báo thị trường khách quốc tế năm 2023 sẽ có nhiều khởi sắc, ngay trong những ngày đầu tiên của năm, chúng tôi đã nhận được thông tin có một lượng lớn khách quốc tế thông qua tuyến đường bộ, đường sắt đến với Lào Cai. Chúng tôi cũng kì vọng lượng khách quốc tế đến địa phương năm nay sẽ tăng gần 3 – 5 lần so với năm trước" - Ông Hà Văn Thắng cho biết.
Tiếng khèn, tiếng nhạc đang rộn ràng khắp các nẻo vùng cao Tây Bắc đón chào mùa xuân mới – một mùa xuân tràn ngập niềm vui, bởi những gì du lịch vực dậy khởi sắc trong năm qua đã khẳng định thương hiệu, vị thế của ngành công nghiệp không khói ở Tây Bắc và Việt Nam trong khu vực và thế giới. Đây sẽ là những tiền đề tốt để du lịch vùng Tây Bắc và Việt Nam “cất cánh” bay cao, bay xa hơn trong năm mới 2023./.