Du lịch tâm linh xứ Thanh thu hút du khách mỗi độ tết đến xuân về

Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử tâm linh và danh thắng, là cơ sở để đất xứ Thanh trở thành điểm tham quan, chiêm bái của du khách thập phương mỗi độ tết đến xuân về.
thanh-nha-ho-1705672824.jpg
Di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ thu hút nhiều du khách thăm quan dịp cuối năm

Thanh Hóa là địa phương có tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật kiến trúc, lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc... của các dân tộc anh em cùng sinh sống.

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có hơn 1535 di tích, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, hàng trăm ngôi chùa và điểm danh thắng nổi tiếng.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Đây là thế mạnh để địa phương khai thác và phát triển du lịch tâm linh trong mỗi độ tết đến xuân về.

Tại khu du lịch di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đầu tư, nâng cấp về hạ tầng giao thông. Ngoài ra, việc xây dựng các bài thuyết minh du lịch và tour du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các di tích vệ tinh nhằm góp phần làm phong phú hoạt động du lịch và làm nổi bật hơn nữa giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

du-lich-lam-kinh-1705672946.jpg
Những ngày cuối năm, đông đảo du khách đên khu di tích đặc biệt Lam Kinh thắp hương vãn cảnh

Theo báo cáo của Trung tâm bảo tồn di sản thành Nhà Hồ cho thấy, chỉ trong 10 tháng năm 2023, Thành nhà Hồ cho 183.800 lượt khách, đạt 147% kế hoạch được giao trong năm 2023; so với cùng kỳ năm 2022 chiếm tỷ lệ 114,9%. Trong đó, khách trong nước là 182.586 lượt, khách quốc tế là 1.214 lượt khách. Đối tượng du khách cũng đa dạng, phong phú hơn, không chỉ có đối tượng khách nội tỉnh, ngoại tỉnh mà khách quốc tế ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành Nhà Hồ cho biết: “Những năm gần đây, mỗi khi tết đến, xuân về, Thành Nhà Hồ đón lượng lớn du khách thập phương đến đây tham quan và chiêm bái. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ nói riêng và sự bứt phá của du lịch tỉnh Thanh Hóa nói chung”.

Trong những ngày cuối năm, du lịch về miền tâm linh đã và đang có sức hút đối với nhiều du khách. Bởi cùng với tham quan, vãn cảnh, thì cuối năm chính là dịp để người dân, du khách đến các điểm di tích, chùa, đền... để dâng hương, tạ lễ, cầu bình an.

Ghi nhận tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nơi mà anh hùng dân tộc Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại quân Minh xâm lược, đây cũng là nơi để thờ cúng các vị vua và hoàng hậu của triều đại Lê. Trong những ngày cuối năm, nơi đây thu hút đông đảo du khách thập phương đến đây dâng hương, vãn cảnh.

Du khách Phạm Phương Thảo, trú tại Hà Nội chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng chạp (tháng 12 âm lịch) là gia đình tôi đều vào đây thắp hương, vãn cảnh. Mỗi khi đến đây, tôi thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống dường như được hóa giải”.

Ngoài hai điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng kể trên, tỉnh Thanh Hóa còn sở hữu nhiều điểm tâm linh nổi tiếng như Am Tiên, Đền Sòng, Phủ Na, Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng… Đây là một trong những chốn “dừng chân” của du khách để thắp lên nén hương thành kính cầu mong một năm an yên, hạnh phúc.

Trong những gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng du lịch, hình thành các tour, kết nối các điểm du lịch tâm linh và danh thắng, thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần đưa du lịch xứ Thanh phát triển, trở thành điểm du lịch trọng điểm của cả nước./.

Hà Khải