Tóm tắt: Thị trường du lịch Halal trên thế giới vẫn đang ở trong trạng thái cầu lớn hơn cung. Đây là cơ hội lớn cho các nước có truyền thống Hồi giáo, nhưng cũng mở ra tiềm năng thu hút đầu tư cho các quốc gia linh hoạt, thân thiện với các tôn giáo ngoại sinh như Việt Nam. Dựa trên các số liệu cho thấy sự tăng trưởng bền vững của thị trường du lịch Halal, dựa trên các mô hình thành công của các quốc gia có và không có đa số công dân là tín đồ của Hồi giáo trong du lịch Halal, bài viết phân tích các cơ hội, lợi thế của Việt Nam trong việc đầu tư vào thị trường tiềm năng này. Bên cạnh đó, cũng đưa ra một số mặt thách thức về mặt thương hiệu quốc gia hay doanh nghiệp trong việc cạnh tranh thị trường tăng trưởng cao này.
Từ khóa: Halal; du lịch Halal; Hồi giáo;
Du lịch Halal là một phần quan trọng của kinh tế Hồi giáo. Halal là sự tuân thủ những điều được phép trong cuộc sống, hoạt động sản xuất, tiêu dùng, cung cấp, sử dụng dịch vụ, tài chính. Ngược lại, trong thiên kinh Qu’ran của người Hồi giáo cũng có đề cập đến những điều bị “cấm”, hay còn gọi là “Haram”. Khi tham gia vào thị trường Du lịch Halal, các nhà đầu tư cần phải nắm rõ luật lệ dựa trên đức tin của người Hồi giáo, để phát triển những thứ được phép và loại bỏ những phần bị cấm. Do tiêu chuẩn về Halal rất ngặt nghèo, nên Du lịch Halal, còn được các nhà đầu tư gọi là dịch vụ du lịch cao cấp.
Dân số Hồi giáo toàn cầu ước tính vào khoảng 1,6 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 2,2 tỷ người vào năm 2030. Theo Crescentrating (một công ty xếp hạng khách sạn halal), thị trường này được cho là có giá trị khoảng 140 tỷ đô la, công ty này tin rằng thị trường sẽ tăng lên 225 tỷ đô la vào năm 2028. Những con số này không bao gồm Hajj và Umrah và chiếm 11,5% chi tiêu toàn cầu. Theo báo cáo của DinarStandard về Tình hình kinh tế Hồi giáo toàn cầu (2022/2023), tổng đầu tư vào các công ty liên quan đến nền kinh tế Hồi giáo đạt 25,9 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022/23, tăng 128 phần trăm so với năm trước đó. Chi tiêu của người Hồi giáo toàn cầu cho thực phẩm và đồ uống dự kiến sẽ đạt 1,89 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2027. Tài sản tài chính Hồi giáo dự kiến sẽ đạt 5,96 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2026. Những số liệu trên đây thể hiện các tín hiệu rõ ràng du lịch liên quan đến giải trí và tâm linh, thương mại thời trang, các sản phẩm xanh.
Toàn cầu hóa và sự mở rộng của du lịch quốc tế, các quốc gia lấy Hồi giáo là quốc giáo cũng đã linh hoạt, biến mình trở thành các điểm đến du lịch quốc tế quan trọng. Hơn nữa, các quốc gia này còn đăng cai những sự kiện toàn cầu như thể thao, hòa nhạc, hội chợ tại Dubai, Qatar. Trong khi đó, dòng di cư từ Trung Đông sang châu Âu, Mỹ, và Úc cũng đem lại những thị trường ngách mới tại các quốc gia có Ki-tô giáo hay Tin lành là những tôn giáo lâu đời, như ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc. Điều này có nghĩa là hiện nay, thế giới có sự công nhận, quan tâm lớn về mặt văn hóa đối với các tín đồ Hồi giáo. Thậm chí, đó chính là nhu cầu hiểu rõ hơn về ý nghĩa của đức tin đối với ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, tạo động lực để chính phủ các quốc gia đưa ra các kế hoạch chính sách cũng như các biện pháp giải quyết cho doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của du khách Hồi giáo.
Một số các mô hình quảng bá du lịch Halal ở các nước không có đạo Hồi là nhóm tôn giáo đa số
Trang web HalalBooking.com sử dụng thuật ngữ 'ngày nghỉ kiểu Halal', hay được gọi là 'lòng hiếu khách của người Ả Rập'. Du khách được phục vụ nhu cầu tôn giáo của khách Hồi giáo theo hầu hết các quy chuẩn được phép và không được phép (ví dụ: thức ăn halal, đồ uống không cồn, phòng cầu nguyện, cơ sở lưu trú tách biệt). Khách có thể không thấy rõ toàn bộ các dịch vụ Halal đã đầy đủ hay chưa, nhưng họ lại đánh giá cao về mức độ, thái độ “chiều lòng” theo mong muốn, yêu cầu. Ngay trong nội bộ Hồi giáo, ranh giới của các loại halal (những gì được phép) và haram (những gì bị cấm) được xác định bởi các yếu tố xã hội và văn hóa của từng quốc gia.
Hình ảnh 1: Màn hình trang web Halal Booking
Nguồn: https://halalbooking.com/en
Nhiều khách sạn phương Tây có thể thực hiện một số yêu cầu căn bản của Halal như cung cấp một số món ăn halal, không đặt rượu tại quầy bar nhỏ và có thể cung cấp một cuốn kinh Qur'an trong phòng. Những khách sạn khác còn có điều kiện để thực hiện nhiều hơn thế. Ví dụ, JW Marriott Grosvenor House ở London phục vụ tiệc cưới của người Ả Rập và châu Á thường để ý đến việc phục vụ theo giới tính và tiến hành đào tạo nhận thức văn hóa cho đội ngũ nhân viên tuyến đầu về các giao thức xã hội liên quan đến thị trường Hồi giáo (Smith và cộng sự, 2017).
Mặt khác, có một số điểm đến đang thực hiện đầu tư cho những khách sạn hoàn toàn halal, chẳng hạn như Khách sạn Al Jawhara Garden ở Dubai được "phân loại". Để đủ điều kiện được xếp hạng như vậy, một khách sạn phải có bếp halal, không bán rượu tại cơ sở, phòng cầu nguyện, thảm, spa và hồ bơi tách biệt, không có sòng bạc, hộp đêm hoặc nhạc lớn.
Không chỉ khách sạn được cung cấp cho khách Hồi giáo mà còn có các tour du lịch trọn gói, nơi phụ nữ có thể được cung cấp bãi biển riêng và các gia đình có thể tận hưởng những bãi biển hỗn hợp với quy định về trang phục bơi của người Hồi giáo. Du thuyền không có rượu, sản phẩm từ thịt lợn hoặc dịch vụ đánh bạc.
Các quy định của Hồi giáo về halal được áp dụng cho tất cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Một số quy tắc cũng có liên quan trực tiếp đến ngành du lịch. Ví dụ, Nassar và cộng sự (2015) đề cập đến các tầng khách sạn, phòng và khu vực ăn uống riêng biệt cho nam và nữ, giường và nhà vệ sinh được bố trí cách xa các khu cầu nguyện, vòi sen rửa vệ sinh trong phòng tắm, nội dung truyền hình và âm nhạc phải được kiểm định, thực phẩm halal không có thịt lợn hoặc rượu, đồ vệ sinh cá nhân thân thiện với halal, cơ sở cầu nguyện và bản sao kinh Qur'an, và quy định về trang phục của người Hồi giáo. Quan điểm của đạo Hồi về tiêu dùng xa xỉ là cho phép, nhưng cần tránh một sự lộ liễu quá mức, đặc biệt các khu du lịch hạng sang, bao gồm cả ngành spa và chăm sóc sức khỏe cần thực hiện kín đáo.
Malaysia đã tạo ra các chiến lược rất cụ thể để tìm kiếm, “khách du lịch halal” và thành công trong việc thu hút những khách du lịch từ Trung Đông vì nơi đây cung cấp cho những khách du lịch này một môi trường văn hóa hiếu khách. Ngoài ra, Malaysia còn có cảnh quan và điều kiện khí hậu hấp dẫn những du khách đến từ vùng đất sa mạc của các địa điểm như Ả Rập Xê Út, Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đối với các quốc gia khác có nền văn hóa Hồi giáo, sự phát triển của loại hình du lịch này đã mở ra cơ hội tham gia vào việc đa dạng hóa sản phẩm. Ví dụ, quốc gia như Indonesia, nơi trước đây chủ yếu được biết đến (ít nhất là ở phương Tây) với các kỳ nghỉ trên bãi biển, sự phát triển của du lịch Hồi giáo mang đến cơ hội để chuyển sang các thị trường có thu nhập cao hơn, phù hợp hơn với nhiều hệ thống giá trị của riêng mình.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có rất ít công dân là tín đồ Hồi giáo nhưng thành công khi tham gia thị trường cung cấp sản phẩm và dịch vụ Halal. Hàn Quốc đã tách riêng các dịch vụ truyền thống trong du lịch, ẩm thực và y tế để đáp ứng lượng cầu đặc biệt tăng cao của khách du lịch Hồi giáo. Hình ảnh trang web VisitKorea, cho thấy chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc ghi rõ ràng “Halal” trong biển hiệu của các cửa hàng. Thậm chí, có đến 49 cửa hàng Halal tại thủ đô Seoul. Đây là một con số đáng kinh ngạc cho một đất nước có đạo Tin lành và Phật giáo là những tôn giáo đa số.
Hình ảnh 2: Màn hình trang web VisitKorea, có đầy đủ thông tin về Halal
Nguồn: https://english.visitkorea.or.kr/svc/main/index.do
Không chỉ tại châu Á, Tourism Australia (trang web du lịch chính thức của chính phủ Úc) đã công bố ra mắt liên minh các công ty lữ hành đầu tiên tại Indonesia, nhằm mục đích cung cấp các kỳ nghỉ thân thiện với người Hồi giáo tại Úc. Liên minh này, một nỗ lực hợp tác giữa bốn đối tác du lịch của Indonesia, tập trung cung cấp các gói tour được tuyển chọn đặc biệt, nhấn mạnh vào những trải nghiệm thân thiện với người Hồi giáo tại Úc. Các hành trình này phù hợp với nhiều phong cách du lịch, theo từng mùa và điểm đến khác nhau, kết hợp các điểm tham quan nổi tiếng với những địa điểm riêng tư. Ở New Zealand, đã có những động thái tương tự, bao gồm việc đưa lên web nhiều danh mục liệt kê các nhà hàng, quán cà phê, hiệp hội và tổ chức cung cấp dịch vụ cho du khách Hồi giáo - Ứng dụng New Zealand dành cho người Hồi giáo.
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi đầu tư vào du lịch Halal
Việc đầu tư dài hạn vào du lịch Halal của các quốc gia có dân số Hồi giáo thấp, cho thấy tiềm năng lớn của thị trường du lịch này. Như vậy, dịch vụ “thân thiện” với khách du lịch Hồi giáo cần được xem xét đặc biệt để phát triển tại Việt Nam, nơi có rất nhiều lợi thế như:
Thứ nhất: là đất nước thuộc khu vực ASEAN, có nhiều chuyến bay thẳng đến các quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan. Có hai trong số các nước trên là đối tác chiến lược toàn diện của nước ta. Quan hệ ngoại giao lâu đời và ngoại giao nhân dân chặt chẽ giúp doanh nghiệp hiểu, gần gũi với các nền văn hóa Hồi giao mang hơi hướng Nam Á hoặc Đông Nam Á. Hơn nữa, các ký kết về đối tác thương mại tự do, hay kênh miễn thuế của ASEAN giúp các sản phẩm thủy sản của Việt Nam dễ dàng cạnh tranh về giá.
Thứ hai: Việt Nam là nước có chỉ số đa dạng tôn giáo thứ 3 của khu vực châu Á. Việc đa dạng trong tôn giáo là một thuận lợi lớn cho Việt Nam, thể hiện tính linh hoạt trong mối quan hệ “chủ-khách”. Thái độ hiếu khách của nước chủ nhà, đóng góp một phần quan trọng vào sự thành công của dịch vụ du lịch, đặc biệt với các nước khối Ả rập. Do sự công kích của phía truyền thông phương Tây, hình ảnh về các nước nói tiếng Ả rập mang tính công kích, phản diện, tạo ra cảm giác không an toàn cho khán giả. Điều này ảnh hưởng lớn đến các du khách đến từ Trung Đông, khi luôn bị nghi vấn hay không chào đón tại các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, Việt Nam là nước thế tục. Sự hài hòa trong ứng xử của người dân Việt Nam với những tôn giáo ngoại sinh trong lịch sử đã trở thành một lợi thế với thị trường dựa trên đức tin như Du lịch Halal.
Thứ ba, tình hình an ninh, chính trị ổn định tại Việt nam, cũng là một lợi thế cạnh tranh, thu hút sự quan tâm của những du khách Hồi giáo. Theo báo “The Times”, Việt Nam được đánh giá là nước Rất an toàn để du lịch, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc, như Sơn La. Trong vấn đề lựa chọn điểm đến của người Hồi giáo Ả Rập, thực tế cho thấy rằng đặc biệt kể từ ngày khủng bố Tháp đôi ở New York, 11/9 và các cuộc tấn công khủng bố năm 2015 tại Paris và những nơi khác và các cuộc tấn công gần đây hơn, trong số những cuộc tấn công khác, ở Brussels và Thổ Nhĩ Kỳ, người Hồi giáo đang có xu hướng nghỉ dưỡng tại Đông Nam Á, ví dụ như Singapore và Malaysia.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều thách thức về việc đầu tư đồng bộ vào du lịch Halal. Điều này cần có sự phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhà nước và doanh nghiệp. Hơn nữa, việc quảng bá hay Marketing, tạo ra thương hiệu du lịch của Việt Nam chưa được đầu tư. Gần đây, các doanh nghiệp tập trung vào đóng gói sản phẩm Halal theo hướng thân thiện với khách hàng, hay thay đổi hình ảnh về chỗ ở để phù hợp với thị hiếu của Trung Đông (như khách sạn Sapa Charm, Ramana Sài Gòn). Sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, cần đồng bộ với nỗ lực của nhà nước, trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, như một điểm đến thân thiện với người Hồi giáo./.