Đồng Tháp: Xây dựng được niềm tin từ “vườn tôi, nhà mình”

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì… mà còn chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực cũng như phát huy nhiều cách làm mới, sáng tạo, giúp cho người nông dân liên kết, xích lại gần với nhau hơn. Đồng Tháp từng bước xây dựng được niềm tin với khách hàng từ các nông sản có chất lượng, minh bạch trong sản xuất thông qua các mô hình “vườn tôi, nhà mình”.

Các mô hình “vườn tôi, nhà mình”, đặc biệt mô hình ruộng nhà mình, được triển khai tại Hợp tác xã Thuận Tiến huyện Cao Lãnh và Hợp tác xã Tiến Cường huyện Tam Nông trong vùng dự án VNSAT Đồng Tháp.

Sản phẩm của mô hình là gạo an toàn-tối ưu giá, Công ty Lương thực Đồng Tháp sẽ đảm nhiệm khâu bao tiêu, chế biến và đóng gói, Công ty

cổ phần chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Việt, website : www.ruongnhaminh.vn chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ của 2 đơn vị là Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp xanh Hà Nội và Tập đoàn An Việt. Đến nay, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã liên kết tiêu thụ với 2 hợp tác xã được 92 ha, sản lượng 552 tấn, doanh thu từ sản phẩm gạo đạt 1,4 tỷ đồng.

Việc áp dụng về cơ giới hóa về hệ thống trạm bơm điện theo công nghệ 4.0 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 đã giúp người nông dân quản lý hiệu quả đồng ruộng, tiết kiệm nước, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Ông Ngô Phước Dũng Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Đông 2 cho biết, đặc điểm nổi bật của mô hình trồng lúa thông minh là các hộ sản xuất áp dụng phương pháp bón phân tan chậm, kết hợp với sử dụng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường sinh thái. Bón phân tan chậm được áp dụng đồng bộ ba khâu trong một máy cơ giới gồm cấy lúa, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm….

Hiệu quả kinh tế, sản xuất lúa thông minh giúp nông dân giảm thiểu lượng giống, chỉ khoảng 8 kg/công. Năng suất bình quân đạt từ 7 – 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm từ 45 – 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao hơn ruộng sản xuất bình thường từ 5-6 triệu đồng/ha.

Việc quản lý sâu rầy bằng mạn lưới giám sát sâu rầy thông minh, thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ giúp bảo tồn nguồn thiên địch. Từ đó, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, an toàn cho con người và môi trường. Mô hình sản xuất lúa thông minh đảm bảo việc tiêu thụ là liên kết doanh nghiệp tiêu thụ trên 70% sản lượng lúa trong mô hình sản xuất ra thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ.

Đối với cây ăn trái có mô hình “Cây xoài nhà tôi”, để đa dạng hóa phương thức quảng bá loại đặc sản xoài Cao Lãnh, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã mạnh dạn cho ra mắt mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Mô hình với những ưu điểm vượt trội, toàn bộ quy trình sản xuất đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp nông dân trồng xoài ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo gắn kết giữa nông dân sản xuất và người tiêu dùng sở hữu được cây xoài mình yêu thích, giúp gia tăng giá trị cây xoài.

c715e43c4a7ba325fa6a-1-1644918856.jpeg
Ảnh minh hoạ

Việc giới thiệu sản phẩm đến khách hang được thông qua website https://xoaicaolanh.com.vn, khách hàng có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại...Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình vào khoảng từ 3-5 triệu đồng/cây/năm. Bằng ý tưởng kinh doanh độc đáo này, đơn vị Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã nhận được khá nhiều đơn hàng trồng xoài qua mạng từ Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Ông Nguyễn Hồng Sự, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh  cho biết, mô hình “Cây xoài nhà tôi” được hình thành từ Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, là mô hình đầu tiên trong cả nước, với ý tưởng quảng bá nông sản địa phương bằng mô hình kinh doanh mới – trồng xoài qua mạng.

Bằng ý tưởng độc đáo này, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương đã bán được 420 cây xoài với giá bán từ 3,5-4,8 triệu đồng/cây đối với xoài cát chu và từ 4,5-5 triệu đồng/cây đối với xoài cát Hòa Lộc. Lợi nhuận mang lại cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với ngoài mô hình, góp phần xây dựng thương hiệu xoài Cao Lãnh, xoài cát chu Cao Lãnh.

Sau mô hình “Cây xoài nhà tôi”, sản phẩm cam xoàn của nhà vườn ở vùng cù lao Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh cũng được giới thiệu ra thị trường với mô hình “Cây cam vườn tôi”. Mô hình với sản phẩm sạch, được kiểm chứng rõ ràng, “Cây cam vườn tôi” được “chào sàn” qua trang website: nongsancaolanh.vn.

Với giá 4 triệu đồng/năm/cây, mỗi vụ 1 cây cam có thể cho sản lượng từ 80-100kg trái sạch giao cho khách hàng. Khách hàng quản lý quá trình sinh trưởng cây cam của mình thông qua website hoặc hình ảnh cập nhật trên mạng xã hội hoặc tại vườn bất cứ khi nào. Nhờ vậy, trong năm qua, cam ở vùng cù lao Tân Thuận Đông đã được đóng gói, vận chuyển đến những khách hàng tận Tp. Hồ Chí Minh, Hội An, Hà Nội…

Việc tạo ra mối liên kết “Vườn tôi, nhà mình” là phát huy cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là tập trung vào lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng, bỏ bớt khâu trung gian; chia sẻ lợi ích, rủi ro và xây dựng niềm tin khách hàng.

Tuy nhiên, duy trì và phát triển các mô hình xây dựng “vườn tôi, ruộng nhà” là không chỉ đơn giản là việc sản xuất tốt, sản phẩm sạch mà còn có nhiều yếu tố là con người làm chủ được công nghệ; cơ sở hạ tầng công nghệ như máy chủ kết nối internet, trang web riêng; hệ thống camera giám sát và các công cụ marketing để tiếp cận và thu hút khách hàng. Đây là những yếu tố cốt lõi mà hầu hết các mô hình “vườn tôi, ruộng nhà” tại Đồng Tháp đang được nhân rộng.

Ngoài 70 mô hình với diện tích canh tác vài trăm ha, hiện nay tỉnh Đồng Tháp đã nhân rộng lên được hơn 24 nghìn ha, gấp 172 lần so với diện tích mô hình trình diễn. Hiện nay, người dân đã thay đổi được nhận thức sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương để đảm bảo an toàn cho sản phẩm nông sản./.