Cây cà phê tạo điểm tựa kinh tế vững chắc cho Đồng bào dân tộc Đắk Nông

Cây cà phê đang trở thành điểm tựa kinh tế vững chắc, giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa) từng bước ổn định cuộc sống. Nhiều người trong số đó đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Suốt hàng chục năm qua, nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Đắk Nia đã chọn cây cà phê làm trụ cột phát triển kinh tế. Nhờ sự cần cù, chịu khó và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác, không ít hộ nông dân đã từng bước tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện rõ nét và tràn trề hi vọng làm giàu trên mảnh đất này.

anh-kkhiem-truong-bon-njrieng-cua-xa-dak-nia-tp-gia-nghia-la-mot-trong-nhung-ho-tien-phong-kien-tri-chon-trong-ca-phe-de-phat-trien-kinh-te-o-dia-phuong-1747160382.jpg
Anh K’Khiêm - trưởng bon N’Jriêng của xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa) là một trong những hộ tiên phong, kiên trì chọn trồng cà phê để phát triển kinh tế ở địa phương.

Một trong những tấm gương tiêu biểu là anh K’Khiêm - Trưởng bon N’Jriêng thuộc xã Đắk Nia. Bắt đầu trồng cà phê từ năm 2009 trên mảnh đất ông bà để lại, đến nay anh đã sở hữu 2,5ha với khoảng 2.500 cây cà phê. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác hiệu quả, sản lượng của vườn cà phê luôn ổn định. Vụ vừa qua, với giá bán trên 120.000 đồng/kg, anh thu về khoảng 700 triệu đồng. Đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều hộ nông dân DTTS tại địa phương.

Không chỉ chú trọng sản xuất, anh K’Khiêm còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng với bà con trong vùng. Trong quá trình đổi công, anh thường hướng dẫn kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất. Trước tình trạng sâu bệnh, đặc biệt là nấm, rầy và rệp gia tăng trong những năm gần đây, anh cùng nhiều nông hộ đã chủ động trao đổi, học hỏi để phòng trừ hiệu quả.

Hiện tại, gia đình anh chủ yếu canh tác các giống TR4, TR9 và cà phê dây. “Trồng cà phê quan trọng nhất là phải đảm bảo nước tưới, bón phân đúng lúc, đúng liều lượng. Và quan trọng hơn nữa đó là phải có kỹ năng phân biệt, chọn ra được giống chất lượng” - anh K’Khiêm chia sẻ kinh nghiệm.

nhung-cay-ca-phe-giong-moi-duoc-anh-kkhiem-chon-trong-de-nang-cao-nang-suat-chat-luong-san-pham-1747160334.jpg
Những cây cà phê giống mới được anh K’Khiêm chọn trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Không chỉ anh K’Khiêm, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Đắk Nia cũng đang vươn lên nhờ cây cà phê. Ở cùng xã có nông hộ của anh K’Krai hiện canh tác 3ha, thu hoạch từ 10 - 14 tấn cà phê nhân mỗi năm nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật. Ngoài ra, còn có nông hộ của gia đình chị H’Grếp cũng sở hữu hơn 2 ha cà phê đang cho sản lượng ổn định 6 - 7 tấn mỗi vụ.

Hai thập kỷ qua, dù giá cà phê từng lên xuống thất thường, cây trồng này vẫn giữ vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại Đắk Nia. Ông Đỗ Văn Sìn - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết địa phương đã tích cực vận động các hộ đồng bào DTTS trồng ít nhất từ 200 - 300 cây cà phê để cải thiện thu nhập. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời về giống, kỹ thuật từ các cấp cùng tinh thần đồng thuận, cần cù của người dân, mô hình trồng cà phê tại Đắk Nia ngày càng khẳng định hiệu quả và tính bền vững.

xen-canh-ca-phe-voi-cac-cay-trong-khac-la-huong-di-giup-gia-tang-thu-nhap-va-hieu-qua-kinh-te-cho-nhieu-nong-ho-o-tp-gia-nghia-hien-nay-1747160407.jpg
Xen canh cà phê với các cây trồng khác là hướng đi giúp gia tăng thu nhập và hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ ở TP. Gia Nghĩa hiện nay.

Xã Đắk Nia hiện có 2.628 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 39%. Trong nhóm này, ước tính có khoảng 17% hộ đang phát triển kinh tế từ cây cà phê. Được hỗ trợ giống, kỹ thuật và tiếp cận vốn vay ưu đãi, nhiều hộ DTTS đã chủ động đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Năng suất trung bình đạt khoảng 2 tấn/ha; những vườn được chăm sóc tốt có thể cho sản lượng 4 - 5 tấn/ha - một con số khá ấn tượng so với mặt bằng chung của toàn vùng.

Ông Đỗ Văn Sìn - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết, qua thực tiễn sản xuất, người dân địa phương ngày càng tin tưởng vào cây cà phê nhờ khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hiệu quả kinh tế ổn định. “So với nhiều loại cây trồng khác, cà phê chịu hạn tốt hơn, thu nhập lại bền vững nên bà con ưu tiên lựa chọn gắn bó lâu dài” - ông Sìn bày tỏ./.

Kiến Giang