Biến đổi khí hậu toàn cầu là thực thể diễn ra trên khắp các châu lục ngót hằng mấy chục năm qua. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, nguyên nhân chính vẫn là do con người tạo ra. Đó là việc phát thải khí nhà kính từ các nước công nghiệp phát triển và từ những quốc gia sở hữu nền nông nghiệp lạc hậu. Nạn phá rừng, nạn lạm dụng năng lượng hóa thạch phổ biến trên thế giới đã góp phần làm tăng khí thải, gây hiệu ứng nhà kính. Hậu quả là nhiệt độ trái đất trung bình tăng mỗi thập kỷ xấp xỉ 0,30 độ C, khiến cho băng tan ở hai cực trái đất, mực nước biển các đại dương trung bình mỗi thế kỷ tăng 200mm hay 2mm mỗi năm.
Việt Nam là một trong các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, người dân ĐBSCL mỗi năm thấy càng rõ nạn xâm nhập mặn cứ tăng dần, thọc sâu vào nội địa, nhất là các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Thực trạng đó đã tác động trực tiếp đến kinh tế nông nghiệp, hệ sinh thái và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Theo kịch bản tình trạng xấu do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, nếu mực nước biển dâng cao 1m, thì sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập. Viễn cảnh đó rất có thể xảy đến trước cuối thế kỷ 21.
Ngoài vấn nạn xâm nhập mặn được cho là do thiên tai, còn có thêm vấn nạn nữa thuộc về nhân họa. Đó là các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Tổng hợp các nguồn thông tin cho thấy, ở thượng nguồn sông Mekong hiện có tới vài chục đập thủy điện đã hoàn thành. Theo Ủy Hội sông Mekong (MRC), riêng đoạn sông Mekong chảy qua Trung Quốc (gọi là Lan Thương), đã có đến 8 đập thủy điện chắn ngang dòng chính, giữ lại tổng cộng hơn 40 tỉ m3 nước cho thủy điện và thủy lợi. Cũng theo MRC, nếu tất cả các dự án thủy điện, thủy lợi của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia hoàn tất và hoạt động, thì tổng lượng phù sa đổ xuống đồng bằng sông Cửu Long suy giảm tới hơn 90%.
Số liệu cụ thể cho thấy, nước sông Mekong từ thượng nguồn về ĐBSCL năm 2020 giảm 157 tỷ m3 so với năm 2011, lượng phù sa năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017. Trong tháng 01/2021, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu (tại trạm Kratie - Campuchia) ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 16%. Theo đó, vào tháng 3 năm 2020, mực nước tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Cùng thời điểm, tháng 3-2021, mực nước tại trạm Chiang Saen thấp hơn 0,42m so với trung bình nhiều năm.
Ảnh hưởng của xâm nhập mặn và dòng chảy tự nhiên sông Mekong giảm thiểu đã gây ra thiệt hại to lớn nhiều mặt đối với ĐBSCL. Thống kê năm 2020 cho thấy, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại đến khoảng 509.804 ha diện tích cây trồng, 486.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt; 2.158 vụ sạt lở thiệt hại ước tính 1.078,9 tỷ đồng; trữ lượng đánh bắt thủy sản nước ngọt tự nhiên sụt giảm 12.644 tấn, ước tính gần 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều con sông, kênh, rạch đều nằm trong tình trạng ô nhiễm, nhất là vào mùa khô. Đó chính là nguyên nhân chính dẫn đến trung bình hàng năm ở ĐBSCL có đến gần 100 ngàn ca bệnh liên quan đến sử dụng nguồn nước. Mặt khác, theo thống kê 5 năm từ 2016 đến 2020 của ngành thủy sản các tỉnh vùng này, nhiều đoạn sông, kênh rạch, ao hồ, đã vắng bóng số loài và số lượng cá thể nhiều loại sinh vật, thủy sản đặc trưng của sông Mekong.
Sự suy giảm, thiệt hại về tài nguyên nước đã dẫn đến tình trạng đói nghèo đối với nhiều hộ nông dân ĐBSCL. Đó là động lực đẩy hàng trăm ngàn lao động phải ly hương, rời bỏ các công việc truyền thống để tìm kiếm việc làm tại các thành phố, đô thị lớn.
Để cải thiện tình hình nghiêm trọng do vấn nạn thiên tai và nhân họa gây ra đối với vùng đất này, các ngành chức năng, các nhà khoa học, đã đề xuất nhiều dự án, công trình ứng phó với BĐKH.
Cùng với việc củng cố, nạo vét mở rộng các kênh rạch đã có, là đắp mới hệ thống đê ven biển, xây dựng các đập ngăn mặn cấp nhà nước. Nhiều địa phương còn phát huy kinh nghiệm của ông cha từ thời khẩn hoang nhằm dự trữ nguồn nước ngọt sông, nước mưa để tưới tiêu ruộng vườn và sinh hoạt, thông qua hệ thống mương vườn, ao sâu, đìa ruộng. Ở các mương, ao đìa đó, bà con nông dân nuôi cá nước ngọt, tăng thêm thu nhập. Ở những vùng không thể giữ ngọt, bà con nông dân tổ chức nuôi các loài thủy sản nước mặn, nước lợ mà đặc biệt là nuôi tôm, loài thủy sản có giá trị xuất khẩu cao.
Nhiều lão nông tri điền đã táo bạo đề xuất việc trữ nước ngọt theo hướng thuận thiên, bảo vệ tối đa các “túi nước trời cho” là Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và Lung Ngọc Hoàng. Các túi nước này trữ tốt sẽ có khả năng đẩy bớt mặn, chống hạn hán cho cả vùng Bắc sông Tiền và Nam sông Hậu.
Trước thiệt hại do thiên tai và nhân họa đang diễn ra từng ngày, ngoài vai trò chiến lược của nhà nước, nhân dân vùng ĐBSCL đã và đang khắc phục cơ bản theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Vì thế, cho dù biến đổi khí hậu diễn biến ra sao, con người ở vùng đất vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy hải sản này vẫn vững bước đi lên trên con đường xây dựng cuộc sống mới phù hợp với xu thế phát triển của thế giới./.