Quy hoạch, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được công bố mới đây là kết quả từ nhiều quyết sách và giải pháp để phát triển về mọi mặt miền "Đất Chín Rồng" mà Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra trong những năm qua.

Ngày 18/6/2022, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Đây là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là Khu Ramsar của thế giới. Đồng thời, vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều…

Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm... với những nét văn hóa đặc thù, nền văn minh sông nước độc đáo.

“Vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước cần được phát huy cao hơn, tiềm năng, lợi thế to lớn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi về quy hoạch vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh: thực hiện Quy hoạch, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư.

mpi-bt-dbscl-1655953753.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI).

Mục tiêu cụ thể được đặt ra là năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 -2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.

mpi-dbscl-1655953752.jpg
Quy hoạch ĐBSCL đến 2050 (Nguồn: MPI).

Theo Bộ trưởng, bản quy hoạch này chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Đây là cơ sở để lập các quy hoạch tiếp theo của các tỉnh, các quy hoạch ngành liên quan, là cơ sở để điều phối, liên kết phát triển vùng mà lâu nay đang là một điểm hạn chế của Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, từ bản quy hoạch này, các bộ ngành, địa phương sẽ nhận diện được đâu là cơ hội, đâu là thách thức mới với Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó cơ cấu lại các ngành kinh tế để có bước phát triển mới trong thời kỳ mới.

“Từ những quy hoạch như vậy cũng cho thấy những định hướng, tầm nhìn dài hạn, qua đó các nhà đầu tư sẽ tìm thấy cơ hội của mình để tham gia đầu tư, tạo làn sóng đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo dự kiến, ngoài việc công bố Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, cũng như công bố Định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…, Hội nghị cũng sẽ công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển với quy mô khoảng 2,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác, đó chính là xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng về phát triển vùng, liên kết vùng để thực hiện Quy hoạch đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người Vùng thông qua Triển lãm ảnh nghệ thuật “Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển”.

“Chúng ta sẽ chủ động kiến tạo phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới, an ninh vùng biển và hải đảo của Tổ quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, bản Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long lần này sẽ mở ra tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo ra cơ hội mới, giá trị mới, từ các địa phương, nhà đầu tư cho đến người dân sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn, yên tâm hơn, no ấm hơn, thịnh vượng hơn. “Đó chính là điều cốt lõi của Nghị quyết 13/NQ-TW, là lấy người dân làm trung tâm”, Bộ trưởng khẳng định và nhấn mạnh rằng, thực thi hiệu quả Quy hoạch, một diện mạo mới sẽ đến với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Vân (t/h)