Nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024, UBND thành phố Hội An phối hợp cùng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện “Trải nghiệm Tết Việt”. Trong đó có hoạt động trọng tâm với tên gọi “Sắc thái văn hóa Hội An”.
Theo đó, sự kiện “Sắc thái văn hóa Hội An” sẽ diễn ra trong hai ngày Mồng 8 và 9 Tết (17 và 18/02/2024) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Sự kiện này được tổ chức nhằm mang đến cho nhân dân và du khách tại Hà Nội một không gian khám phá Tết Việt ý nghĩa, thú vị; phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và giới thiệu đến du khách những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có của Hội An.
Vừa qua, thành phố Hội An là địa phương tiếp theo sau Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Sự kiện “Sắc thái văn hóa Hội An” lần này cũng là cơ hội để hai địa phương có thể giao lưu, kết nối quan hệ và là dịp để Hội An giới thiệu di sản văn hóa cũng như lĩnh vực sáng tạo về thủ công và nghệ thuật dân gian đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hội An chia sẻ: Chương trình “Vui Xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An”, “Đêm Hội An: Cùng thắp sáng di sản” hy vọng sẽ đem đến sự hài lòng cho đồng bào Thủ đô vốn nặng lòng yêu mến và muốn tìm hiểu về văn hóa Quảng Nam, văn hóa miền Trung; đồng thời góp phần làm ấm thêm tình cảm và tâm thức hướng về cố hương của bà con phố Hội, bà con Quảng Nam xa xứ đang sinh sống tại Thủ đô. Đây cũng là dịp giới thiệu những nét đặc sắc của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian trong hành trình Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
“Sắc thái văn hóa Hội An” có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân với các gian hàng giới thiệu và trình diễn nghề chế tác gốm, mộc, gốc tre, làm lồng đèn, hò khoan đối đáp, dân ca bài chòi. Tại đây du khách cũng được khám phá Tết Hội An qua công nghệ, trải nghiệm nặn con thổi, tò he, xem múa rồng Hội An…
Bên cạnh đó, không gian ẩm thực đặc trưng của xứ Quảng với những món ăn đặc sản như: Cao lầu, mỳ Quảng, bánh bao bánh vạc, cơm gà… cũng được các đầu bếp địa phương chế biến phục vụ thực khách, để thực khách có thể thưởng thức, chiêm nghiệm một Hội An “trăm vật trăm ngon”. “Chúng tôi đã cố gắng chắt lọc để giới thiệu, biểu đạt những giá trị rất bình dị nhưng tiêu biểu nhất của di sản văn hóa Hội An, Quảng Nam tại sự kiện này” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hội An chia sẻ.
Ngoài ra, chương trình “Đêm Hội An: Cùng thắp sáng di sản” bắt đầu từ 17h30 đến 21h00 Mồng 8 và 9 Tết cũng đã mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về một Hội An xinh đẹp, lãng mạn và đậm đà bản sắc.
“Sắc thái văn hóa Hội An” tại Hà Nội sẽ mở đầu cho chuỗi các sự kiện tiếp nối chuyên sâu về Thủ công và Nghệ thuật dân gian của Hội An trong năm 2024. Những sự kiện này được kỳ vọng sẽ góp phần xúc tiến quảng bá sản phẩm sáng tạo Hội An nói riêng và hình ảnh văn hóa - du lịch - ngoại giao Hội An nói chung đến thế giới. Từ đó, gia tăng cơ hội đầu ra cho những sản phẩm sáng tạo đặc trưng của Hội An./.