Những câu chuyện sáng tạo trên hành trình “chuyển mình” của Hội An

Nếu như trước đây Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới nhờ những di sản văn hóa cổ, thì nay cũng từ chính những điều “cổ” ấy tiệm cận mang thành phố đến ngưỡng cửa của mạng lưới sáng tạo toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới.
1-san-pham-tu-go-cui-lu-anh-thuan-1-1698729461.jpg
Mô hình Hội An thu nhỏ đến từ sản phẩm gỗ trôi sông của anh Thuận “củi lũ”. Ảnh: Cáp Vương

Dù nổi tiếng là thành phố sinh thái, có văn hóa, du lịch phát triển, Hội An vẫn luôn có những định hướng, chính sách phát triển tổng thể để phù hợp với thực tế. Cũng chính vì thế mà lần này, tận dụng nền tảng vốn đã hình thành và lưu truyền suốt hơn 400 năm qua, Hội An xây dựng hồ sơ, gửi UNESCO bình xét trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo.

Sau nhiều khảo sát, tính toán thành phố đã chọn lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian gửi đến “ngôi nhà chung” sáng tạo này. Lựa chọn này của ban lãnh đạo thành phố có thể nói là hướng đến “sáng tạo để bảo tồn, giữ gìn để phát huy” trong đời sống hiện đại.

Sáng tạo trên nền di sản

Bước đi lần này có thể nói như lời “báo hỷ” đối với người nghệ nhân Hội An, khi những lĩnh vực như hát bài chòi, chế tác tre, chế tác củi lũ… xưa nay thành phố vẫn dày công hun đúc nhưng vẫn chưa có nhiều cơ hội được biết đến trên trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Có 3 dự án chính nhằm đạt được các mục tiêu của Mạng lưới sáng tạo tại địa phương bao gồm: Dự án Mộc Kim Bồng - khơi nguồn sáng tạo, Ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ và Sáng tạo Hội An qua môi trường công nghệ số. Qua đây, nâng cao vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững theo mục tiêu của địa phương”. Theo đó, nghệ thuật hát bài chòi, chế tác tre, chế tác củi lũ… cũng là những lĩnh vực dân gian nằm trong các dự án chính lần này.

Nghệ thuật Bài chòi là một trong những sản phẩm văn hóa - du lịch luôn được du khách yêu thích khi đến Hội An. Đây là nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu và mang thương hiệu Hội An. Bài chòi được người địa phương tổ chức diễn xướng hằng đêm, thu hút hàng trăm, hàng ngàn khách du lịch thưởng ngoạn.

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017. Đến nay, hát Bài chòi vẫn được các nghệ nhân phố Hội nỗ lực lan tỏa, trao truyền và gìn giữ. Nằm trong dự án “Ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ”, Nghệ thuật Bài chòi đươc chọn là nội dung trọng tâm để giảng dạy, hướng dẫn thực hành kỹ năng biểu đạt diễn xướng. Chọn nghệ thuật hát bài chòi là một trong những lĩnh vực đi cùng mạng lưới sáng tạo bắt nguồn từ mong muốn tôn vinh và bảo tồn hệ thống văn hóa giá trị của TP. Hội An.

h2-nnut-luong-dang-hat-bai-choi-vo-pho-xua-tinh-nguoi-1698729460.jpg
NNƯT Nguyễn Đáng cùng nghệ nhân Ngọc Huệ hát Bài chòi trên sông, trong vở thực cảnh Phố xưa tình người của đạo diễn Phan Vinh.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đáng (nghệ danh Lương Đáng) – một trong những nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật Bài chòi chia sẻ: “Nghệ thuật hát Bài chòi này đã có từ lâu đời và việc giảng dạy cho thế hệ trẻ cũng đã diễn ra nhiều năm nay chứ không phải khi được đưa vào dự án mới thực hiện. Hơn nữa, chính trong lời ca tiếng hát của Bài chòi, sức sáng tạo cũng thể hiện mãnh liệt vô cùng. Chính vì vậy, tôi cùng với đồng nghiệp nỗ lực để đóng góp một phần cho thành phố quê hương bước đến ngưỡng cửa thành phố sáng tạo”.

Đến khu chế tác mộc mang tên Làng củi lũ tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP. Hội An, câu chuyện “tái sinh” củi lũ của doanh nhân Lê Ngọc Thuận được kể bằng sự tinh tế của nghệ thuật điêu khắc. Với nguyện vọng tìm hướng đi mới cho nghề mộc Kim Bồng (làng nghề truyền thống tại Hội An), anh Thuận đã cùng với các nghệ nhân làng mộc sáng tạo, phác họa nét đẹp các loài vật thân thuộc lên thân gỗ củi bị cuốn theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về xuôi mỗi mùa mưa.

Từ ý tưởng sáng tạo hiện đại, những tác phẩm được chế tác từ củi lũ thể hiện được sự tài hoa của người thợ mộc, điêu khắc, chạm trổ truyền thống Kim Bồng - Hội An. Đồng thời, tái tạo, biến tấu các mô tuýp, biểu tượng văn hóa truyền thống người Cơ Tu xứ Quảng.

Câu chuyện sáng tạo với cây tre Việt Nam đã không còn xa lạ, nhưng tại Hội An, cây tre, cành trúc được thổi hồn đúng nghĩa với những sản phẩm mang tính thẩm mỹ, sáng tạo và nghệ thuật cao.

h1-can-nha-bang-tre-cua-anh-vo-tan-tan-1698729461.jpg
Căn nhà 2 tầng bằng Tre nổi tiếng của anh Võ Tấn Tân (Tân Tre). Ảnh: Cáp Vương

Tại xưởng tre Taboo Bamboo thơ mộng bên chân cầu Cửa Đại, TP. Hội An, với niềm đam mê mãnh liệt, anh Võ Tấn Tân mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ loài cây mang tính biểu tượng này. Từ đèn trang trí, nội thất đến các tác phẩm điêu khắc, cây tre luôn là nguồn cảm hứng bất tận... Ý tưởng sáng tạo này không chỉ lan tỏa trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của người yêu nghệ thuật trên toàn thế giới, góp phần quảng bá vẻ đẹp và sức sáng tạo của người Hội An.

Với anh Tân, những sản phẩm từ tre thủ công của anh phải đặt yếu tố sáng tạo, tỉ mỉ lên hàng đầu. Chỉ có như thế, người nghệ nhân mới “thổi hồn” đúng nghĩa vào mỗi tác phẩm của mình.

Đưa Hội An gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu

Trong mỗi câu chuyện sáng tạo trên đất phố Hội, mỗi sự tinh tế và óc sáng tạo của nghệ nhân đều mang lại một sắc màu riêng cho thành phố.

Với người dân Việt Nam nói chung và người Hội An nói riêng, nghệ thuật Bài chòi không dừng lại một sản phẩm văn hóa truyền thống mà còn là thiên đường cho khả năng sáng tạo vô tận cho con người. Bằng những điệu hát nam, hát khách, hát lý... hòa cùng nhịp đàn nhị, song loan, kèn bóp và trống chiêng, người nghệ nhân lồng vào đó những câu hát mang ý nghĩa về đạo đức, lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và đoàn kết dân tộc.

Với kinh nghiệm hát Bài chòi từ năm lên 10, NNƯT Nguyễn Đáng nay đã 65 tuổi vẫn là “anh hiệu” với những điệu hò động lòng người. Theo ông Đáng: “Không như một ca sĩ, nghệ nhân Bài chòi vừa hát, vừa diễn, vừa phải sáng tạo câu hát không chỉ thâm sâu mà còn dí dỏm, hài hước dựa trên hiểu biết về kết cấu thơ lục bát ngay trong lúc diễn. Không chỉ sáng tạo một lần rồi dừng lại, mà hầu hết phải biến đổi liên tục. Chính vì vậy, nếu không có vốn sống, óc sáng tạo, người nghệ nhân khó có thể tạo nên một diễn xướng ấn tượng”.

Từ cách sắp xếp từ ngữ đến cách biểu đạt cảm xúc, mỗi màn trình diễn đều là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nghệ nhân bài chòi là những người nghệ sĩ tài năng biến những câu chuyện truyền thống thành những màn biểu diễn sống động. Họ sử dụng giọng hát, ngôn ngữ cơ thể và tài năng để mang đến những trải nghiệm đầy thú vị cho người xem.

Cũng theo NNƯT Nguyễn Đáng, trước cơ hội bước vào mạng lưới sáng tạo toàn cầu, nghệ thuật Bài chòi Hội An cũng đang họp bàn, nỗ lực phát triển những gì đã làm xưa nay. Hơn nữa còn lên kế hoạch cho những buổi diễn xướng thật hoành tráng, thật mới mẻ để chào đón diện mạo sáng tạo mới của Hội An.

Dù cùng khuynh hướng sáng tạo nhưng là “người dẫn chuyện” ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ nhưng anh Lê Ngọc Thuận cùng câu chuyện củi lũ của mình cũng có nhận định khác. Anh Thuận cho rằng: “Ở Làng củi lũ, chúng tôi không chỉ bán sản phẩm mà còn bán câu chuyện. Bản thân tôi cũng như mỗi người thợ ở đây phải đặt tâm mình vào từng thanh củi để sáng tạo thì sản phẩm mới có hồn, có câu chuyện. Với tôi, may mắn những người cộng sự của mình xuất thân từ làng mộc Kim Bồng và họ luôn sẵn có những điều đó”.

Quả thực, chế tác sản phẩm điêu khắc từ củi lũ là một nghệ thuật đòi hỏi tính sáng tạo và khéo léo. Nghệ nhân chỉ nhìn vào khối củi mà vẫn nhận biết được tiềm năng bên trong từng khúc gỗ. Họ phải tận dụng trí tưởng tượng, kết hợp với tài năng và sự khéo léo trong điêu khắc để tạo ra những tác phẩm sống động và sáng tạo.

Viết tiếp câu chuyện sáng tạo trong nghề thủ công mỹ nghệ, những tác phẩm từ tre trúc của anh Võ Tấn Tân vẫn chưa bao giờ hết nóng. Cứ cách một khoảng thời ngắn, xưởng tre của anh lại sáng tạo ra một sản phẩm tre mới, quy mô lớn hơn, làm “chấn động” người yêu nghệ thuật như xe đạp tre, cá chép, cua khổng lồ, tôm càng xanh khổng lồ...

h3-du-khach-thich-thu-voi-nhung-san-pham-tan-tre-1698729461.jpg
Du khách thích thú với những sản phẩm từ Taboo Bamboo Tân Tre. Ảnh: Cáp Vương

Mở xưởng đã 15 năm, anh Tân vẫn không muốn mở rộng quy mô vì muốn giữ lại cái “chất” sáng tạo bao lâu nay. Anh cho rằng, khi phát triển quy mô quá lớn, đầu tư máy móc, con người nhiều thì từ đó số lượng sản phẩm tăng lại phải tìm đầu ra cho sản phẩm, đến lúc đó chỉ còn là sản phẩm công nghiệp, chứ không còn là sản phẩm của sự sáng tạo nữa.

Anh Tân tâm sự: “Tôi không muốn mình cứ làm những sản phẩm đại trà, suốt ngày mang ra chợ bán. Phải tạo ra giá trị riêng biệt khách hàng mới tự tìm tới. Cốt lõi là phải sáng tạo mọi thứ. Nếu không sáng tạo thì sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ làng nghề vì không đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng bây giờ”.

Kỹ thuật chế tác tre là một nghệ thuật đòi hỏi tính sáng tạo và tài năng đặc biệt. Từng thao tác nhẹ nhàng và khéo léo của nghệ thuật, bằng cách điêu khắc, mài mòn và tạo hình, họ biến những vạt tre nguyên sơ thành những tác phẩm nghệ thuật tinh thần. Nghệ nhân không chỉ thao tác với tre mà còn phải hiểu tre. Hiểu bản chất, kết cấu của mỗi loại, tận dụng những tính chất tự nhiên để tạo ra các sản phẩm mang tính độc bản. Chính vì vậy mà từ những sản phẩm có giá vài nghìn đồng hay vài trăm triệu vẫn được đặt mua.

Những lĩnh vực như hát bài chòi, chế tác tre, chế tác củi lũ... đều mang một màu sắc sáng tạo riêng. Chính sự tinh tế và đam mê, sáng tạo của nghệ nhân đã biến các chất liệu đơn giản thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nhìn nhận được tiềm năng này, ông Nguyễn Văn Lanh quả quyết: “Chúng ta phải cam kết và phải làm cho được ít nhất 3 cái dự án, chương trình mang tính địa phương hoặc quốc gia, đồng thời phải cam kết thực hiện 3 chương trình liên quan đến sáng tạo trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mang tầm quốc tế. Đây là cơ hội để Hội An có thể vươn mình và hội nhập với thế giới mạnh mẽ hơn nữa”.

Cáp Vương – Lệ Thành