Quảng cáo #128

Độc đáo phiên chợ mua may, bán may, họp duy nhất 1 đêm đầu năm

Phiên chợ có một không hai ngay từ sớm đã thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương tìm về để cầu may mắn đầu năm.
cho-vieng-dnktx2-1708216431.jpg
Chợ Viềng là phiên chợ cầu may, mua bán ở đây không mặc cả, là một hiện tượng khá lạ, giàu ý nghĩa văn hóa

Mỗi năm chợ chỉ họp duy nhất một lần, bắt đầu từ vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng Giêng, Chợ Viềng (Nam Định) thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi về lễ, du xuân, họp chợ… mua bán trao đổi hàng hoá mong cầu tài lộc, may mắn đầu năm. Trong đó, ngày mùng 8 tháng Giêng là ngày chính chợ.

“Chợ Viềng là phiên chợ cầu may, mua bán ở đây không mặc cả, là một hiện tượng khá lạ, giàu ý nghĩa văn hóa. Ai đó đến với Chợ Viềng, đều có một ý niệm mua lấy may, bán lấy may, ăn lấy may, chơi cũng lấy may và như vậy người bán được hàng và khách chơi chợ ai cũng muốn mua được thứ gì đó. Bởi lẽ đó, người bán không nói thách, người mua không mặc cả, nếu “băn khoăn” về giá cả sẽ mất đi sự “linh thiêng”. Thực hiện được ý niệm này, người bán, người mua cả năm sẽ được “tấn tài, tấn lộc””, ông Nguyễn Ngọc Đạt, nguyên Tổng giám đốc công ty CP nước Nam Định lý giải.

Nam Định có 2 Chợ Viềng vẫn còn hoạt động đến nay. Đó là Chợ Viềng huyện Vụ Bản (hay còn gọi là Chợ Viềng Phủ, do gần Phủ Dầy) và Chợ Viềng huyện Nam Trực (hay còn gọi là Chợ Viềng Chùa, do gần chùa Đại Bi).

cho-vieng-dnktx-1708217022.jpg
Du khách ngắmnhững cây cảnh của các nghệ nhân Nam Định và các tỉnh mang đến.

Chợ Viềng, mỗi năm họp chỉ có một phiên, đến hẹn lại lên cứ vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch người dân địa phương và du khách khắp nơi lại nô nức về Chợ Viềng. Chợ Viềng là phiên chợ cầu may, mua bán ở đây không mặc cả, là một hiện tượng khá lạ, giàu ý nghĩa văn hóa.

Theo ghi nhận, tại Chợ Viềng huyện Vụ Bản ngay từ sáng sớm mùng 7 đã có rất đông người từ mọi ngả đường đổ về, quần thể di tích Phủ Dầy lễ Mẫu và dạo chơi phiên chợ đầu năm.

cho-vieng-dnktx4-1708217259.jpg
Giữa bạt ngàn đồ, người mua phải tinh mắt mới lựa chọn được món đồ giá trị

Hội Chợ Viềng được tổ chức từ thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) về xã Kim Thái đến xã Trung Thành (huyện Vụ Bản), trong đó khu vực trung tâm chợ là vùng xung quanh quần thể di tích Phủ Chính Tiên Hương, thờ Mẫu Đệ nhất Liễu Hạnh ở xã Kim Thái.

Bởi tính chất đặc thù, cả năm chỉ diễn ra một lần nên dù chưa khai hội nhưng du khách từ khắp mọi tỉnh, thành đã hướng về phía Chợ Viềng. Điều kiện thời tiết thuận lợi càng khiến phiên Chợ Viềng xuân Giáp Thìn thêm đông khách. Các tuyến đường dẫn vào khu vực trung tâm của Chợ Viềng, Phủ Dầy đều chật cứng phương tiện và người đi chợ. Nhiều du khách năm nào cũng đến phiên chợ cầu may như một điểm hẹn đầu năm.

cho-vieng-dnktx3-1708217143.jpg
Tới Chợ Viềng, bên chén nước dù lạ cũng thành thân.

Rời Chợ Viềng, Phủ Dầy chúng tôi tới đến Chợ Viềng Chùa (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Từng dòng người nối đuôi nhau hướng về khiến cho các ngả đường luôn trong tình trạng chặt như nêm.

Mặc dù, quy mô Chợ Viềng Chùa không lớn như Chợ Viềng Phủ, nhưng hằng năm, cứ đến ngày mở phiên chợ, du khách thập phương lại nườm nượp về đây du xuân, mua sắm…

Năm nay, do phiên Chợ Viềng Chùa diễn ra vào ngày nghỉ cuối tuần nên du khách thập phương hướng về Chợ Viềng mỗi lúc một đông; từng dòng người nối đuôi nhau đi vào trung tâm chợ khiến cho các ngả đường luôn trong tình trạng chặt như nêm. Giao thông gần khu vực chợ gần như tê liệt, lực lượng Cảnh sát Giao thông phải gồng mình phân luồng giao thông từ xa.

cho-vieng-dnktx5-1708217394.jpg
Dòng người len từng bước chân tới phiên chợ cầu may.

“Du xuân chợ Viềng Chùa, tôi đã chọn mua được chậu sung cảnh bonsai. Tôi chọn mua cây sung vào đầu năm mới với hi vọng gia đình luôn sung túc, cuộc sống suôn sẻ, thịnh vượng…", anh Nguyễn Tuấn Anh ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) bật mí.

Đến với Chợ Viềng Chùa, du khách không chỉ được "ngắm" những chậu hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu; lựa chọn, mua nông cụ sản xuất nông nghiệp như quanh gánh, thúng, cuốc, lưỡi cào…, mà còn được "mục sở thị" những mặt hàng đồ cổ, đồ xưa, gốm sứ có giá trị hàng triệu đồng.

Ở Chợ Viềng Chùa, người bán không nói thách, người mua không mặc cả. Hai bên thuận mua, thuận bán để lấy may. Bởi thế, du khách thập phương đến với Chợ Viềng Chùa đều mong muốn mua được món đồ mình ưa thích với tâm trạng thoải mái

Là người đã có nhiều năm bán các mặt hàng nông cụ sản xuất nhà nông ở phiên Chợ Viềng Chùa, anh Đỗ Văn Thịnh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) chia sẻ, tôi không "quát" giá, mà bán với giá hợp lý, vừa túi tiền người mua, để 2 bên mua - bán không nặng nề về vấn đề kinh tế.

cho-vieng-dnktx6-1708216708.jpg
Đặc biệt, thịt bò, thịt bê là đặc sản mà mỗi du khách đến với Chợ Viềng đều không thể bỏ qua.

Người xưa quan niệm rằng, đến Chợ Viềng Chùa du khách nên thưởng thức món phở bò chính hiệu Nam Định hoặc mua thịt bò thui để lấy may. Do vậy, quanh khu vực chợ Viềng xuất hiện không ít các sạp bày bán bò thui đã xẻ thịt sẵn.

Theo khảo sát của PV, mặc dù giá thịt bò hơi đang được bán tại Chợ Viềng (huyện Nam Trực) với bán giá cao hơn những ngày thường, song mặt hàng này vẫn được nhiều người mua. Giá bán dao động từ 240.000 - 250.000 đồng/kg.

Hàng hóa ở Chợ Viềng phong phú và đa dạng. Có thể nói Chợ Viềng là cuộc triển lãm kinh tế xã hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh Nam Định với sự hội tụ của hầu như tất cả những sản phẩm làng nghề có hàng trăm năm tuổi.

Bên cạnh ý nghĩa của phiên Chợ, chợ Viềng còn mang sắc thái “hội xuân” bởi đến với Chợ Viềng du khách được tham dự vào các trò chơi dân gian, các môn nghệ thuật truyền thống như: Chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối cạn, rối nước, xin chữ, tò he,…Những sắc thái văn hóa đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp./.

Trần Gia Anh Thư