Độc đáo du lịch làng nghề Hồng Vân

Làng sinh vật cảnh Hồng Vân nằm ở phía Đông huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Nam. Nằm trong vùng ngoại thành và vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội, Hồng Vân là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
z5226339131319-1653cb29c95c1bbc0dfc0c20b635e106-1709870589.jpg
Hồng Vân là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài nước.

Hồng Vân hội tụ đầy đủ những nét đẹp thuần khiết, yên bình của một làng quê ven đô với đặc trưng của nền nông nghiệp đồng bằng châu thổ sông Hồng. Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân được biết tới với nhiều nghệ nhân giỏi và các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng.

Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn Truyền thuyết Chử Đồng Tử -Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu (là hai trong Tứ bất tử của dân tộc Việt) cùng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử (01 di tích lịch sử cấp Quốc gia; 02 là di tích lịch sử cấp thành phố). Xã có “Chợ Mới ông Già” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị kỷ lục là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về Cha con Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương”.

Theo ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: Trong những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề. Xã đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã; chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang sản xuất hàng hóa.

Xã thí điểm đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp vào khai thác dịch vụ, du lịch theo chuỗi liên kết, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy tắc văn hóa ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh trong các tầng lớp nhân dân; thường xuyên chăm sóc, duy tu cảnh quan và làm tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn xã.

z5226339129897-15cccfc1a6819305624973d6e8c86380-1-1709869907.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP tới khách du lịch.

Năm 2018, xã đã được UBND Thành phố công nhận là một điểm du lịch của thành phố và cuối năm 2019 được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hồng Vân là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài Thành phố; đưa kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã.

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là phát triển kinh tế cho giai đoạn trước mắt và lâu dài của xã, tiến tới xây dựng người Hồng Vân văn minh, thanh lịch, mến khách. Đẩy mạnh nhanh việc đầu tư, kết nối và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng du lịch, đưa du lịch – dịch vụ - thương mại và làng nghề trở thành kinh tế mũi nhọn của xã. Khơi dậy tiềm năng, lợi thế truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung kết hợp với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, từng bước đưa văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể thành lợi thế trong phát triển kinh tế xanh, bền vững của xã.

Ban quản lý, điều hành du lịch xã đã ban hành kế hoạch khung về xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch của xã theo 08 chủ đề trọng tâm, trong đó tập trung vào các chủ đề: Du lịch Văn hóa, tâm linh, truyền thuyết (Ưu tiên đầu tư, xây dựng và phát huy giá trị của Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung trên mảnh đất Hồng Vân trên địa bàn 3 thôn: Cẩm Cơ – La Thượng – Vân La ra đến phía ngoài sông với các hạng mục gắn liền với truyền thuyết: Đình Vân La, Đình Cẩm Cơ, Chợ Mới Ông già, Đền thờ Chử Cù Vân, Chợ cá cụ Chử, Đảo hoa tiên, Bãi tắm nàng tiên, các tuyến đường Ngõ chợ - Tích xưa – Thiên Duyên – Tổ nghiệp,..);

Dịch vụ sự kiện, trung tâm tổ chức các sự kiện (Từ quảng bá, giới thiệu, hội họp, cưới hỏi, giao lưu…); Lưu trú; Ẩm thực (Đặc sản vùng miền, sáng – trưa – chiều – tối – đêm); Dịch vụ vui chơi, giải tri; Trải nghiệm không gian nông nghiệp, nông thôn; Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu và liên kết với các địa điểm trên địa bàn Huyện và các vùng lân cận.

Trong đó, các sản phẩm dịch vụ du lịch tiếp tục có bước phát triển, gồm: Dịch vụ trải nghiệm xe điện; xe đạp, dịch vụ ăn uống (đặc sản của địa phương); Dịch vụ check in tại các nhà vườn, trải nghiệm 1 giờ cùng nghệ nhân cây cảnh; Dịch vụ trải nghiệm các trò chơi dân gian; Dịch vụ giải khát, đồ ăn nhanh; Dịch vụ tổ chức chương trình sự kiện, tọa đàm, hội thảo; Dịch vụ thưởng thức văn hóa – văn nghệ, sân vận động thể thao; Dịch vụ tham quan trải nghiệm nghề làm đá thủ công mỹ nghệ; Dịch vụ tham quan các điểm di tích lịch sử; Dịch vụ tham quan các mô hình nhà vườn hoa, cây cảnh.

z5226339139652-2831437d6123fdc12bcf59c34eaf5b8e-1709871618.jpg
UBND Thành phố, các Sở, Ban, Ngành Thành phố cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho thí điểm việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch của Hồng Vân.

Hồng Vân đã tổ chức các hội hoa xuân, Lễ hội tinh yêu, Lễ hội ẩm thực; các chương trình sự kiện ngoài trời, triển lãm cây cảnh nghệ thuật, cuộc thi thể dục - thể thao... để quảng bá du lịch tới du khách. Giới thiệu gian hàng trưng bày về Du lịch sinh vật cảnh Hồng Vân tại các Hội chợ, Festival quảng bá sản phẩm làng nghề, du lịch. Xây dựng các món ẩm thực mang đậm nét bản sắc văn hóa của địa phương với hương vị độc đáo đậm nét vùng nông thôn ven sông Hồng, thể hiện được nghệ thuật chế biến, cách bài trí món ăn và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; từng bước xây dựng và quảng bá thương hiệu ẩm thực của địa phương.

Chủ động mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến xúc tiến, đầu tư nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của Điểm du lịch thành các tour, tuyến du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng và phù hợp với nhu cầu của thị trường khách du lịch mà khách đang hướng tới.

Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch xã Hồng Vân mong muốn UBND Thành phố, các Sở, Ban, Ngành Thành phố cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho thí điểm việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch trên đất nông nghiệp trong điểm du lịch của xã, tạo điều kiện cho người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa khai thác hạ tầng du lịch để phục vụ du khách trải nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại, du lịch, làng nghề cho xã gồm hạ tầng viễn thông, hệ thống điện, hạ tầng giao thông, thủy lợi, bãi đỗ xe, cơ sở lưu trú và chiếu sáng cảnh quan. Chỉ đạo hỗ trợ xã trong xúc tiến, giới thiệu, quảng bá thương mại, du lịch và tập huấn nghiệp vụ thương mại, du lịch cho cán bộ, nhân dân và chủ cơ sở khai thác du lịch trên địa bàn xã./.

Kim Bằng