Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6/2024 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%). Tuy nhiên mức tăng thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này phản ánh cầu tiêu dùng trong nước đã phục hồi nhưng vẫn thấp.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.398,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,9%). Trong đó, hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,6%; may mặc tăng 9,6%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,9%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 356,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế.
Doanh thu dịch vụ khác nửa đầu năm 2024 ước đạt 314,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận: "Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng hàng hóa trong nước của chúng ta vẫn thấp hơn. Trong bối cảnh chung ta tập trung vào cầu nội địa thì sẽ góp phần cho việc kích hoạt sản xuất trong nước, đặc biệt là có thể giúp cho các doanh nghiệp nội địa tự tin trong việc đầu tư và hỗ trợ cho quá trình phục hồi của các doanh nghiệp nội địa, những doanh nghiệp vừa và nhỏ... ".
Trong bối cảnh sức mua còn thấp, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại đã triển khai nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá nhiều mặt hàng, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu.
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực Miền Bắc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, người tiêu dùng rất quan tâm đến các chương trình khuyến mại, giảm giá nên các hệ thống bán lẻ đều thiết kế chương trình ưu đãi đa dạng, phong phú, sát với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.
"Chúng tôi tập trung vào hàng hóa thiết yếu để khuyến mại... Bên cạnh những ngành hàng có lượng tiêu thụ yếu thì chúng tôi có chương trình riêng để làm sao kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng."- ông Liêm nói.
Thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng GDP năm 2024. Với dân số hơn 100 triệu người, việc thúc đẩy tổng cầu sẽ giúp cho Việt Nam không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn phát triển bền vững, tự chủ và tăng khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài./.