Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh tại một số thị trường chủ lực
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho thấy, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0%, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương với từng nước, như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào; Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia...
Tính riêng 7 tháng năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 18,32 tỷ SGD, tăng 9,02% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở mức 27,03%, đạt hơn 4,7 tỷ SGD và nhập khẩu hơn 13,61 tỷ SGD, tăng 3,93%.
Đại diện cơ quan thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng mạnh, cụ thể là nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại; Nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng; Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh.
“Một số nhóm ngành xuất khẩu khác cũng có mức tăng trưởng rất mạnh, như sắt thép; máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất tại Singapore đối với 3 nhóm gạo”, cơ quan Thương vụ thông tin.
Làm rõ hơn thông tin này, ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, về cơ bản thị trường gạo của Singapore có nhu cầu ổn định ở mức 300 - 400 triệu SGD/năm. Các DN Việt Nam tận dụng khá tốt để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Singapore.
“Bên cạnh sự quan tâm của các hiệp hội ngành hàng và DN trong công tác xúc tiến thương mại và tận dụng thời cơ, các hoạt động hỗ trợ DN của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cùng với sự chỉ đạo sát sao của các Bộ ngành, địa phương đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore”, ông Thắng nhận xét.
Mặc dù vậy, ông Thắng cũng thẳng thắng chỉ ra, việc quảng bá và giới thiệu mặt hàng gạo của Việt Nam tại thị trường Singapore vẫn còn khiêm tốn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày hàng hóa gạo tại Singapore chủ yếu do Thương vụ Việt Nam thường xuyên triển khai.
“Để hỗ trợ các DN Việt Nam tốt hơn trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế và chính sách của địa bàn; hỗ trợ các DN Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu DN và thương hiệu sản phẩm Việt Nam. Tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore”, ông Thắng khẳng định.
Nhiều dư địa cho doanh nghiệp gia tăng thị phần xuất khẩu
Lượng gạo nhập khẩu của Philippines hằng năm luôn ở mức cao. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines - Ông Phùng Văn Thành cho biết, Philippines là nước tiêu thụ gạo lớn và là một trong số các quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Điều này dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 có thể đạt hơn 4 triệu tấn, thậm chí tới 4,5 triệu tấn.
“Đây là cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Philippines đã nhập khẩu 1,72 triệu tấn gạo từ Việt Nam, ông Thành cho biết.
Ngoài Singapore và Philippines, trong năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, thu về hơn 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022.
Từ đầu năm 2024, với tình hình gạo thiếu hụt nghiêm trọng, Chính phủ Indonesia đã mở thầu thu mua thêm thu mua 500.000 tấn gạo, phía các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu trong đợt này, với khối lượng cung cấp hơn 300.000 tấn gạo cho Indonesia. Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những năm tiếp theo sang thị trường Indonesia.
Với các cam kết mở cửa thị trường, những ưu đãi lớn về thuế quan, sự tương đồng về vị trí địa lý, văn hóa,… đã tạo nên những điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam xuất khẩu hàng hoá đến thị trường ASEAN. Đánh giá về tiềm năng của thị trường ASEAN, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, một trong những thuận lợi của các DN ASEAN nói chung, DN Việt Nam nói riêng khi tham gia các hiệp định về thương mại, sẽ được ưu tiên hơn khi được áp dụng mức thuế ưu đãi trong việc xuất khẩu hàng hoá. Thương mại trong nội khối ASEAN qua đó sẽ được tự do, an toàn và mang lại nhiều lợi ích hơn cho các DN trong khu vực./.