Để vượt qua khó khăn trên, các doanh nghiệp đã phải căng mình, đưa ra nhiều chính sách nhằm ứng phó với những biến động từ thị trường. Việc giá xăng dầu tăng tác động lớn tới chi phí vận tải, logistics, giá hàng hóa... vô hình chung khiến doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận.
Về điều này, trao đổi với phóng viên, ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết, là một trong những doanh nghiệp dệt may, sử dụng nhiều lao động ứng phó với đại dịch Covid-19, đứng trước bối cảnh giá xăng tăng, đây là một bài toán khó khăn với doanh nghiệp hiện nay.
“Ngoài việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi chính sách Zero Covid-19 từ Trung Quốc, giá cả nhiên liệu tăng dẫn đến chi phí dịch vụ vận tải tăng theo. Vấn đề này, Tổng công ty May 10 đã phải hợp lý hóa hoạt động logistic nhằm kết hợp và giảm thiểu các chi phí hoạt động vận tải để đem lại hiệu quả cho công việc và tránh lãng phí phát sinh”, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nói.
Về việc một số doanh nghiệp dệt may đã tính tới phương án thay thế nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, bằng những nguyên vật liệu sản xuất trong nước trước bối cảnh giá xăng dầu và nguyên vật liệu tăng, ông Bạch Thăng Long cho hay, việc tích cực tham gia vào các chuỗi cung ứng sẽ trở thành một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cho bối cảnh hiện nay; thậm chí nó sẽ quyết định duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
“Tại Tổng công ty May 10, có nhiều khách hàng cũ sử dụng vật tư mua từ nguồn Trung Quốc. Khi bị gián đoạn do chính sách Zero Covid-19, chúng tôi đã giới thiệu nguồn hàng trong nước, thuộc chuỗi cung ứng của Hiệp hội dệt may Việt nam và cũng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn cho họ. Từ đó, chúng tôi có thể duy trì sản xuất liên tục”, ông Long chia sẻ thêm.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN với những hoạt động kinh doanh sản phẩm về trồng trọt và chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng do chi phí vận chuyển, cước gửi hàng hóa tăng… bên cạnh đó, phân bón và các loại nhiên liệu cũng đã tăng lên đáng kể.
Theo ông Đỗ Quốc Thịnh, Trưởng phòng Phát triển bền vững Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, vấn đề này là một thử thách đối với mọi doanh nghiệp mà không chỉ riêng PAN.
“Trước bối cảnh xăng dầu tăng, chúng tôi đã tập trung vào các giải pháp điều chỉnh hoạt động sản xuất, áp dụng công nghệ nhằm cải tiến và cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ. Thực hiện quy trình canh tác với các loại giống có thể chống chịu tốt. Qua đó, giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi”, ông Thịnh cho biết.
Đối với người nông dân, giá xăng tăng sẽ là một cản trở lớn cho việc tiêu thụ nông sản ổn định giá. Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh, thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, hiện đơn vị cung cấp 1.000 - 1.300 tấn rau củ quả cho nhiều tỉnh thành trên cả nước mỗi năm.
Ông Cường chia sẻ: “Từ tháng 7/2021, chi phí vận chuyển cho một xe tải hàng từ Long An lên thành phố Hồ Chí Minh ra Đồng Nai đã tăng từ 1 triệu lên 1,2 triệu đồng. Nhưng riêng đầu năm 2022 cho đến nay, số tiền này đã thêm 300.000 đồng do ảnh hưởng bởi giá xăng”.
Như vậy, mỗi lần với 4 chuyến xe tải vận rau củ quả tới địa điểm thụ sản phẩm, chi phí mà Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh phải trả đã tăng lên 1,2 triệu đồng trong vòng chưa đầy một năm (tương đương với giá thuê 1 xe tải vào năm 2021).
Cũng theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh, người nông dân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều do chi phí đầu vào tăng cao mà giá thành đầu ra lại không tăng theo kịp, từ đó lợi nhuận giảm đi.
“Ước tính, Hợp tác xã chúng tôi đã mất đến 30% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên để tính tới chuyện giữ các chuỗi cung ứng thị trường, chúng tôi đã có nhiều biện pháp nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu giá xăng còn tăng, chúng tôi sẽ tìm đến các đối tác tiêu thụ và thương lượng giá cả, để bù đắp chi phí cho bà con nông dân”, ông Cường cho hay.