"Ép" nhãn ra trái vụ, nông dân thu lời lớn

Việc sản xuất và tiêu thụ nhãn trái vụ của bà con Tây Nguyên đang rất tích cực, cung không đủ cầu.

Người trồng nhãn Hương Chi ở Tây Nguyên đang hết sức phấn khởi vì được mùa, được giá. Đặc biệt nhờ biết xử lý kỹ thuật cho cây nhãn ra hoa trái vụ đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, nên nhiều nông dân ở Tây Nguyên đang chuyển sang trồng loại cây này.

Trên 1,5 ha đất cát pha sỏi, 3 năm trước, ông Vũ Ngọc Xuân (xã Ea Tih, huyện Eakar, Đắk Lắk) quyết định bỏ mía chuyển sang trồng nhãn Hương Chi. Với sản lượng thu hoạch trung bình 12 - 24 tấn/ha/vụ, sau khi trừ đi mọi chi phí, ông Xuân lãi hàng trăm triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng mía và sắn trước đây.

"Tính thời gian từ lúc ép cho ra hoa đến lúc thu hoạch là thời gian mình nhắm được, từ 6 - 7 tháng, do vậy nó không trùng với vụ nhãn tháng 8 ngoài Bắc hoặc tháng 10 ở miền Tây", ông Vũ Ngọc Xuân, xã Ea Tih, huyện Eakar, Đắk Lắk, cho biết.

Với việc canh làm quả lệch vụ so với những vùng trồng nhãn khác trong cả nước, nên những năm gần đây, sản lượng và giá bán nhãn Hương Chi ổn định, thấp nhất tại vườn 25.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi, gấp 3 so với nhãn chính vụ.

images2656831-61-1652695233.jpg
Trồng nhãn trái vu giúp bà con có thu nhập cao. Ảnh minh họa (Ảnh: Báo điện tử Đắk Lắk).

Một ưu điểm của giống nhãn này là ra rất nhiều đợt hoa, gặp thời tiết không thuận lợi, nếu đợt hoa đầu không đậu thì có đợt hai, đợt ba, do đó năng suất ổn định hơn các giống nhãn khác, sản lượng thu hoạch càng về vụ sau càng cao hơn những vụ trước.

Hiện nay, huyện Eakar có khoảng gần 1.300 hộ trồng nhãn Hương Chi, tổng diện tích gần 1.200 ha, Eakar cũng là huyện có diện tích nhãn Hương Chi nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk và đang tiếp tục mở rộng vùng trồng.

Nhờ làm chủ được kỹ thuật để nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ và thu hoạch, trong khi còn vài tháng nữa mới tới mùa thu hoạch nhãn chính vụ, nên nhãn Hương Chi tại Tây Nguyên đã đáp ứng nhu cầu khi thị trường khan hiếm loại trái cây này. Để có thị trường tiêu thụ mạnh, nhiều hợp tác xã đã đồng hành cùng với nông dân.

Những chùm nhãn Hương Chi vừa cắt cành tươi mới và quả to đều liên tục được đóng thùng và xuất bán trong 4 tháng qua. Nhãn thu hoạch được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí không đủ cung ứng cho thị trường trong nước.

Ea Kar cũng là một trong những huyện tích cực trồng nhãn trái vụ làm giàu. Để khắc phục bất lợi về thời tiết và giá cả, một số hộ dân ở huyện Chư Sê đã mạnh dạn xử lý kỹ thuật cho cây nhãn ra hoa trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đây cũng được xem là một trong những hướng đi mới trước thực trạng cây hồ tiêu, cà phê đang gặp khó.

Cách đây 7 năm, anh Lâm Văn Sài ở thôn 5, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) mạnh dạn chặt vườn cà phê để trồng vải thiều và nhãn Hương Chi.

Lúc đầu, chưa yên tâm với việc trồng giống cây mới này, anh Sài lặn lội đến tỉnh Hưng Yên học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ thuật, đồng thời mua thử 200 gốc nhãn về trồng. Đến năm 2014, anh quyết định chuyển dần sang trồng nhãn Hương Chi cùng với một số cây ăn quả có giá trị khác như táo, mít, na, chuối…

Anh Sài nhận thấy giống vải thiều và nhãn Hương Chi khá phù hợp với thổ nhưỡng nơi mình ở. Chỉ sau 3 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn nhãn đã cho thu hoạch. Năm đầu nhãn ra bói, anh thu về 3 tấn quả với giá bán 18.000 đồng/kg. Những năm tiếp theo, sản lượng nhãn tăng lên, đạt 3 - 5 tấn quả/năm. Năm 2021, vườn nhãn của gia đình anh cho thu 5 tấn nhãn quả, trừ mọi chi phí anh lãi 100 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm nhãn Hương Chi của gia đình anh cho quả to, tròn, mọng, ăn ngọt và thơm nên khách hàng rất ưa chuộng, việc tiêu thụ vì thế rất thuận lợi.

Cùng với đó, anh Sài trồng thêm 200 cây vải thiều, mỗi vụ cho thu hoạch 45 - 50 kg quả/cây, bình quân mỗi năm anh thu 2 - 3 tấn quả. Thời gian thu hoạch vải vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, thương lái vào tận vườn thu mua, cắt tươi đem đi bán, giá đầu mùa 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Anh Sài chia sẻ, vải thiều cũng rất hợp với chất đất ở Ea Sô bởi bình thường 3 năm vải cho trái, nhưng nếu chăm tốt thì chỉ 2 năm đã có quả bói. Trái vải cơm dày, vị ngọt, không thua kém vải trồng tại các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Bắc Giang. Vườn cây của anh Sài áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng và giá bán khá tốt.

Anh Vân (t/h)