Doanh nghiệp giao nhận dự báo đơn hàng Tết 2022 tăng cao

Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường, nhất là sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, chuyển phát nhanh... dự báo người tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì thói quen mua sắm trực truyến (online). Đồng thời, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và biện pháp phòng chống dịch bệnh, hầu hết gia đình sẽ có kế hoạch mua sắm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm, cũng như theo xu hướng giãn cách xã hội.

Cụ thể, Báo cáo Xu hướng tiêu dùng dịp Tết 2022 do Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar vừa công bố, người dân Việt Nam có nhu cầu mua sắm Tết tăng mạnh hơn so với năm 2021 bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch; trong đó, tỷ lệ chi tiêu cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh dịp Tết 2022 có thể tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo này cũng cho thấy, quan ngại tác động của dịch COVID-19 khiến người dân có xu hướng mua sắm tết sớm hơn so mọi năm. Điển hình, có 44% người tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch mua sắm cho dịp Tết sớm hơn 5-6 tuần trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chuyên gia của Kantar cho hay, có nhiều lý do có thể kể đến như tâm lý háo hức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sau một năm dịch bệnh, tận dụng mua sắm liền mạch từ Tết Dương lịch hay lo sợ dịch bệnh bùng phát gây đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng hóa... Đặc biệt, trong giai đoạn hiện tại, một số người tiêu dùng vẫn có nhu cầu tích trữ hàng hóa để phục vụ cho gia đình, nhất là những gia đình đông thành viên.

Tuy nhiên, chuyên gia của Kantar cũng chỉ ra rằng, thay vì việc mua trực tiếp để chuẩn bị cho Tết như những năm trước, người tiêu dùng đã quen thuộc hơn với loại hình mua sắm online trong mùa Tết năm nay. Đây là điều dễ hiểu, bởi thói quen mua sắm online của nhiều người dân đã được hình thành từ thời gian giãn cách xã hội. Dù hiện nay đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn còn có tâm lý lo lắng khi mua sắm và tiếp xúc tại khu vực công cộng.

1212hangtet1-1642050343.jpeg
Doanh nghiệp giao nhận dự báo đơn hàng Tết 2022 tăng cao. Ảnh minh hoạ

Nắm bắt xu hướng thị trường, không chỉ tất cả sàn thương mại điện tử, mà hầu hết kênh bán lẻ đều tung ra đa dạng chương trình khuyến mãi, giảm giá online đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 của người dân. Còn bắt kịp thị hiếu tiêu dùng mới, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, chuyển phát nhanh... đang "chạy" hết công suất để vừa vừa quản lý số lượng đơn hàng “khủng”, vừa đảm bảo bưu kiện tới được tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Hơn thế nữa, để giải "bài toán thị trường", nhiều đơn vị vận chuyển đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, bổ sung máy móc, trang thiết bị, bố trí nhân sự bổ sung, kiện toàn chuỗi cung ứng từ khâu xử lý hàng hóa... đến chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất. Điển hình, J&T Express – Thương hiện chuyển phát nhanh quốc tế, không chỉ chủ động “bắt tay” với mạng lưới sàn thương mại điện tử lớn, mà còn cải thiện phạm vi vận chuyển và gia tăng độ phủ đến khách hàng. 

Đồng hành và hỗ trợ những chủ cửa hàng kinh doanh online hiệu quả, J&T Express liên tục thực hiện chuỗi chương trình khuyến mãi lớn như RED Tuesday đa dạng hình thức như vận chuyển đồng giá, giảm giá vận chuyển trực tiếp trên đơn hàng, tặng các phần quà giá trị cho chủ shop... Hay có thể kể đến hoạt động chung tay xây dựng thương hiệu với chủ cửa hàng kinh doanh online, gồm: đánh 5 sao cho gian hàng online chất lượng, tặng băng keo mèo thần tài may mắn nhân dịp đầu năm... 

Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam chia sẻ, mùa mua sắm Tết luôn là giai đoạn vừa thách thức, vừa là cơ hội cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, chuyển phát nhanh... Riêng J&T Express sớm nhận thức được nhu cầu tăng cao của thị trường, nên đã có những bước chuẩn bị rất mạnh về hạ tầng xử lý đơn hàng cũng như đội ngũ nhân viên giao nhận, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng đột biến trong mùa sắm Tết năm nay.

Ghi nhận ý kiến một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, chuyển phát nhanh... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minhcũng cho biết, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu vận chuyển sẽ tối ưu hóa quy trình xử lý, giúp việc giao nhận hàng hóa được diễn ra thông suốt, nhanh chóng và chính xác. Những yếu tố an toàn trong quá trình giao nhận cũng được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng thông qua việc thực hiện nghiêm biện pháp 5K, khử khuẩn hàng hóa, đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân sự lẫn khách hàng...

Liên quan đến đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân sự lẫn khách hàng, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam chia sẻ, rủi ro lây nhiễm vẫn tiếp tục là yếu tố được người dùng quan tâm hàng đầu khi lựa chọn phương tiện di chuyển, giao nhận... trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường. Do đó, dựa trên thành công của dịch vụ GoCar tại Tp. Hồ Chí Minh, với số lượng đơn hàng tăng trưởng theo cấp số nhân, Gojek đã triển khai GoCar Protect đến với người dùng tại Hà Nội. 

"Gojek kỳ vọng GoCar Protect sẽ không chỉ mang lại cho người dùng tại Hà Nội một lựa chọn an toàn và chất lượng để di chuyển bằng ô tô công nghệ với giá cả hợp lý, mà còn góp phần lan tỏa các thông điệp về đề cao an toàn sức khỏe trong cộng đồng từ nay về sau. GoCar Protect mang đến sự bảo vệ tăng cường cho người dùng qua ba lớp “chống khuẩn X3” giúp ngăn chặn sự lây lan của virus", ông Phùng Tuấn Đức thông tin thêm.

Còn ở góc độ người tiêu dùng, chị Ánh Nguyệt, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, không chỉ do dịch bệnh, mà thời điểm Tết người dân thường bị áp dụng khối lượng công việc cuối năm, nhưng lại có nhu cầu mua sắm cao. Vì vậy, mua sắm online ngày càng được người dân ưu chuộng, nhất là những nhóm mặt hàng không cần thiết phải mua trực tiếp tại điểm bán.

Dẫn chứng cụ thể, chị Ánh Nguyệt phân tích, đối với những mặt hàng bánh, kẹo, mứt truyền thống hay trái cây thì gia đình đã có thói quen mua của đơn vị bán hàng online, giao hàng tận nơi và thanh toán không tiền mặt. Nhờ đó, gia đình tiết kiệm được thời gian mua sắm, mà vẫn đảm bảo đầy đủ đồ dùng thiết yếu hàng ngày, cũng như dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Bước qua tháng 12/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Tp. Hồ Chí Minh cơ bản đã được kiểm soát, hầu hếtđơn vị kinh doanh đều triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, chuẩn bị hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng vào dịp mua sắm cuối năm và Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2021 đạt 68.850 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước và giảm 29% so với tháng cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá giảm 29,9%).

Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 822.592 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá giảm 23,7%). Các đơn vị kinh doanh trong năm 2021 cũng kịp thời thích ứng với tình hình dịch bằng việc thay đổi phương thức bán hàng, đẩy mạnh hoạt động mua bán và thanh toán trực tuyến, quảng bá sản phẩm của đơn vị qua các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Về phía chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện chủ trương "thích ứng, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", nên thị trường hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ... cũng từng bước sôi động hơn; trong đó, nhiều nhà hàng tiệc cưới, cửa hàng ăn uống đã hoạt động trở lại, phục vụ khách tại chỗ; lượng khách trên các chuyến bay nội địa tăng.../.