Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay.
Trao đổi về chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay, tại Tọa đàm "Lan tỏa khát vọng chuyển đổi số", ông Lê Trí Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP CNTT Toàn cầu xanh, cho rằng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển, nhận thức và thay đổi mạnh mẽ, tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được điều này đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Hải, sử dụng vốn cho chuyển đổi số là bài toán đau đầu với doanh nghiệp. Để chuyển đổi số thành công, từ thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn hạn chế về nguồn lực, thì việc chuyển đổi số phải căn cứ vào "túi tiền" và nguồn thu của doanh nghiệp, gắn chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chấp nhận tư duy dài hạn trong chuyển đổi số, phải tính bằng 3-5 năm để từ đó chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số.
Đối với từng doanh nghiệp, theo ông Hải, chuyển đổi số phải xuất phát từ người đứng đầu doanh nghiệp và cần sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo và bộ máy, làm từ dễ đến khó. Tùy theo doanh nghiệp, có thể làm từ trong ra ngoài, từ chuyển đổi số trong nội bộ trước khi làm những ứng dụng phát triển ra thị trường.
Chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số của chính doanh nghiệp mình, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cho biết: "Chuyển đổi số phải bắt đầu từ một đề bài rõ ràng. Chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 33 nghìn tỷ, như vậy hơn 3 năm qua, công ty đã lớn hơn gấp đôi, nhờ quá trình chuyển đổi số từ những năm 2018. Để mở rộng gần 400 điểm bán như hiện nay, chúng tôi phải có công nghệ, không thể làm theo cách cũ. Ví dụ để ra một chương trình quảng cáo mới chúng tôi phải sử dụng nền tảng đào tạo đồng loạt chứ không thể theo cách trước đây đào tạo từ tổng xuống phòng ban rồi xuống từng điểm bán, từng nhân viên…"
Bên cạnh đó, ông Lê Chí Thông cho biết, công ty đã biến nền tảng Workplace thành không gian tương tác giúp tăng khối lượng và tốc độ công việc. Trước đây, đưa một sản phẩm mới từ giám đốc tới 7.000 nhân viên phải mất 3 tuần, giờ trên một nền tảng Workplace chỉ mất 3 ngày.
Theo ông Thông, chuyển đổi số không phải áp dụng công nghệ nào mà phải bắt đầu từ việc chúng ta mong muốn giải quyết bài toán kinh doanh nào, theo triết lý nào, chúng ta có rất nhiều lời giải nếu có đầu bài rõ. Áp dụng công nghệ như thế nào mà con người không thích ứng, không hứng thú thì cũng thất bại.
Đồng quan điểm, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ Trợ Thanh niên Khởi Nghiệp – BSSC, Phó Chủ Tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM – YBA, nhìn nhận, có một điều chắc chắn rằng chuyển đổi số không còn là vấn đề của sự chọn lựa mà doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số để tiếp tục sống sót trong kỷ nguyên 4.0 phát triển không ngừng, đây là điều cần thiết để duy trì tính cạnh tranh. Tuy nhiên, khi nào thì nên chuyển mình và đổi số? Cách thức nào để có thể hiện thực hóa những mong muốn khi chạm vào công nghệ số? Đâu là rào cản nào trong quá trình đó...?.
Đưa lời khuyên cho các doanh nghiệp, bà Phi cho rằng, nên bắt đầu khi doanh nghiệp mình đang khỏe, tăng tưởng thì tốt hơn, bởi ở đà tuột thì quán tính tuột dễ hơn, quá muộn màng. Không ai khác, chính bản thân doanh nghiệp phải phân tích lại chính doanh nghiệp mình để bắt đầu chiến lược đổi mới, sẽ tạo khác biệt hơn.
Nhận định về hiệu quả chuyển đổi số doanh nghiệp, bà Phi cho rằng, hiện vẫn đang tiến chậm về mặt thực chất, mang tính hình thức nhiều hơn nên dễ về "số re" mà quên rằng mình cần có định hướng để về "số tiến". Đòi hỏi doanh nghiệp phải biết rõ, nắm chắc và hiểu sâu để nắm chắc chuyển đổi số như thế nào.
Chuyển đổi số đang được các doanh nghiệp của Việt Nam hướng tới như một chiến lược chính để cải tổ, định hình hoạt động trong thời đại mới. Tuy nhiên, theo bà Phi, hầu hết các doanh nghiệp đều đang chật vật tìm đường chuyển đổi số phù hợp. Hiện doanh nghiệp ở Việt Nam rất ít có chiến lược chuyển đổi số, gần như “đẽo cày giữa đường”. Do đó, rất cần những khung khổ đánh giá và đo lường “nội soi” sức khỏe doanh nghiệp để doanh nghiệp nhìn vào đó để có cái nhìn tổng thế để đưa ra những kế hoạch cụ thể phù hợp với từng điều kiện của doanh nghiệp mình..