Đón và đi cùng Đoàn, về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Trọng Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Để có căn cứ đánh giá kết quả chương trình phối hợp về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Lai Châu, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế khu vực trồng Sâm tại bản Pá Hạ, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè và có buổi làm việc tại đây.
Thực hiện chương trình phối hợp về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đã xác định tiềm năng lợi thế, quy mô của các ngành hàng, sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển theo chuỗi liên kết nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm hữu cơ. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 5%; đã hình thành vùng chuyên canh lúa gần 23.000 ha, trong đó có gần 4.000 ha phát triển lúa đặc sản, hàng hóa chất lượng cao; gần 13.000 ha cây cao su, hiện đang khai thác mủ khoảng 9.000 ha; trên 8.000 ha chè gắn liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; gần 6.400 ha cây mắc ca; trên 10.300 ha cây quế; trên 8.200 ha cây ăn quả các loại...; trong đó có những mặt hàng đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Chè, chuối, cao su...
Tổng đàn gia súc đạt trên 336.100 con, toàn tỉnh có 151 cơ sở chăn nuôi trâu, bò từ 15 con trở lên; 24 cơ sở chăn nuôi lợn từ 150 con trở lên; có gần 9.000 đàn ong. Toàn tỉnh có 19 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản; 1 doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh; có 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, 2 sản phẩm tham gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao gồm: Sản phẩm Trà Ô long và Trà Đông Phương Mỹ Nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường.
Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất và chế biến, bảo quản nông, lâm sản, thủy sản theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ nông sản có thế mạnh; chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ; hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện và thủ tục để nông sản chủ lực của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường nước ngoài. Kiểm tra, nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Lựa chọn và xây dựng một số điển hình tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới…
Nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, lãnh đạo UBND tỉnh cũng kiến nghị với Đoàn công tác một số nội dung như: Sớm ban hành Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng (nhất là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng), Đề án phát triển cây Sâm Việt Nam, trong đó có Sâm Lai Châu; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm ưu tiên bố trí vốn để thực hiện 3 dự án, đề tài khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lai Châu mà UBND tỉnh đang đề xuất; xem xét, tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng 5 sao mà tỉnh đã trình; xem xét sửa đổi một số quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT…
Phát biểu tại buổi làm việc, đại biểu trong Đoàn công tác đã làm rõ thêm một số kiến nghị của tỉnh và phân tích làm rõ các nội dung trong chương trình phối hợp.
Qua thực tế tình hình tại vùng trồng Sâm của huyện Mường Tè và nghe báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao những kết quả tỉnh Lai Châu đã đạt được trong thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Đồng chí đề nghị, tỉnh tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, quy mô các ngành hàng, sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển theo chuỗi liên kết nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm hữu cơ; phát triển đặc sản gắn với du lịch sinh thái; bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để duy trì nguồn nước, bảo vệ đất, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ xói mòn cao...
Tại buổi làm việc, đồng chí đã giao các Cục, Vụ thuộc Bộ từng bước tham mưu giải quyết các kiến nghị của tỉnh; kêu gọi các nhà đầu tư đến với Lai Châu để giúp tỉnh phát triển một số lĩnh vực: Nuôi cá nước lạnh, nuôi trồng thủy sản; phát triển vườn ươm Sâm; phát triển dược liệu./.