Điện Biên: Mô hình “Cánh đồng một giống và nhân rộng lúa cấy bằng máy”

Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Điện Biên, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất lúa đã phát huy được hiệu quả nhất định như năng suất lúa ổn định, đảm bảo chất lượng, lợi nhuận cao hơn.
dong-lua-1700578462.jpg
Ảnh minh họa

Mô hình đã chứng minh và phát huy hiệu quả của chương trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất, dễ áp dụng với điều kiện thực tế sản xuất trên các địa bàn được nông dân chấp nhận, có khả năng nhân rộng trong các vụ tiếp theo.

Mô hình nhân rộng ứng dụng lúa cấy

Kỹ thuật cấy bằng máy giúp giảm lượng giống, điều chỉnh mật độ chuẩn thoáng theo hàng, hạn chế tranh chấp dinh dưỡng, ánh sáng, thuận lợi trong quá trình chăm sóc; sử dụng dụng cụ làm cỏ sục bùn tạo thông thoáng trong đất, hạn chế tình trạng nghẹt rễ giúp lúa đẻ nhánh tập trung, cứng cây, tỷ lệ dảnh hữu hiệu từ 8 – 10 dảnh/khóm, ít bị đổ so với ngoài mô hình.

Tại các địa bàn vùng ngoài áp lực về lúa lẫn giảm hơn so với vùng lòng chảo thuộc huyện Điện Biên và thành phố. Triển khai mô hình giúp nông dân nắm bắt thực trạng lúa lẫn và tầm quan trọng của việc xử lý lúa lẫn trong sản xuất cũng như việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, được thay thế bằng dụng cụ làm cỏ sục bùn. Áp dụng kỹ thuật cấy, thời gian làm đất được kéo dài đã giảm áp lực mùa vụ và hạn chế tình trạng lúa ngộ độc đầu vụ; ruộng giữ nước lâu 10 - 15 ngày so với ruộng gieo vãi nên hạt cỏ dại và hạt lúa lẫn khó mọc hơn so với ruộng sử dụng biện pháp gieo sạ; cây lúa lẫn và cỏ dại lên muộn, dễ phân biệt; giảm tỷ lệ lúa lẫn 80 - 90% so với ruộng ngoài mô hình.

Việc áp dụng các biện pháp trong quản lý dịch hại tổng hợp IPM vào sản xuất ngay từ đầu vụ như: Xử lý giống, làm đất, cấy mạ non, cấy thưa... nên các đối tượng dịch hại chính như tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn... xuất hiện muộn, mức độ gây hại thấp hơn so với ruộng gieo vãi; mặt khác, nông dân sử dụng thuốc tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng cũng làm cho sinh vật gây hại phát sinh ít hơn; số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 1,5 - 3 lần.

Mô hình 1 giống

Mô hình cánh đồng 1 giống áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật trên cả cánh đồng ngay từ đầu vụ như cấy tập trung, bón phân, điều tiết nước, phun thuốc bảo vệ thực vật…; mô hình áp dụng máy cấy, tỷ lệ lúa lẫn, cỏ dại giảm 80 - 90% so với ngoài mô hình; lúa sinh trưởng phát triển đồng đều, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, trỗ bông tập trung trên cùng cánh đồng. Nông dân được hướng dẫn các biện pháp, lưu ý trong quá trình thu hoạch, sơ chế để không bị lẫn tạp, đảm bảo yêu cầu của đơn vị thu mua.

Việc áp dụng máy cấy trong mô hình 1 giống đã kiểm soát tốt sinh vật gây hại; thời gian xuất hiện muộn, mức độ gây hại thấp hơn so với ngoài mô hình; sinh vật gây hại xuất hiện theo lứa tập trung nên triển khai phun trừ được đồng loạt, hiệu quả phòng trừ cao hơn.

Ngoài ra, kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc trừ sâu giai đoạn đầu vụ, phun trừ khi đến ngưỡng nên hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh đến năng suất cuối vụ nhất là đối với tập đoàn rầy giai đoạn giữa vụ mật độ cao hơn so với ruộng gieo vãi nhưng cuối vụ không có hiện tượng cháy chòm, ổ như ngoài gieo vãi./ .