Nội dung trên được các chuyên gia nhận định tại Tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HanoiSME) tổ chức chiều 10/5 tại Hà Nội.

Cơ hội tạo cú nhảy vọt “đi tắt đón đầu” chưa bao giờ rõ ràng như lúc này
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội - cho biết, nếu năm 1975, Việt Nam thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD/năm, thì đến năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD; Quy mô nền kinh tế khoảng 430 tỷ USD, đứng thứ 5 ASEAN và 35 thế giới; Kim ngạch xuất khẩu vượt 355 tỷ USD; Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 45% GDP và tạo ra 65% việc làm.
Hiện Việt Nam giữ ổn định kinh tế vĩ mô với lạm phát được kiểm soát bình quân dưới 4%; nợ công duy trì quanh 38% GDP, thuộc nhóm an toàn của khu vực; Kinh tế số ước đạt 14% GDP năm 2024, dự kiến đạt 20% vào 2025; Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử; Tham gia 17 FTA thế hệ mới, nổi bật CPTPP, EVFTA, RCEP, mở cánh cửa cho thị trường gần 60 quốc gia, chiếm 71% GDP toàn cầu;…
Những con số biết nói đó khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục “bứt phá” nhờ một đường hướng phát triển nhất quán, đặt con người làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, khoa học - công nghệ làm then chốt, văn hóa - giá trị Việt làm nền tảng.

Trong bối cảnh mới khi kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp 4.0 với AI, chuỗi khối, dữ liệu lớn, IoT, sản xuất bồi đắp (additive) đang tái định nghĩa giá trị gia tăng. Việt Nam nổi lên là trung tâm gia công phần mềm, bán dẫn, dịch vụ công nghệ thông tin, thu hút tập đoàn NVIDIA, Samsung, Foxconn, Amkor… Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cơ hội tạo cú nhảy vọt “đi tắt đón đầu” chưa bao giờ rõ ràng như lúc này.
Bên cạnh đó, kinh tế số ASEAN 2030 trị giá khoảng 1.000 tỷ USD. Việt Nam với lợi thế 77% dân số dùng Internet; gần 74% tiếp cận smartphone có thể bứt phá ở các mảng fintech, thương mại điện tử xuyên biên giới, ed-tech, health-tech.
Dù vậy, ông Mạc Quốc Anh cũng chỉ ra những bài toán mà doanh nghiệp Việt Nam cần lời giải. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam bằng 62% Thái Lan, 37% Malaysia, 11% Singapore. Nếu không bứt phá, đà tăng trưởng có nguy cơ chậm lại. Cùng với đó, áp lực công nghệ xanh từ các thị trường xuất khẩu buộc doanh nghiệp phải đầu tư chuyển đổi quy trình, thay thế máy móc tiêu tốn năng lượng.
"Theo khảo sát năm 2024, chỉ 26% doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng tiêu chuẩn quản trị xuyên biên giới (IFRS, ISO 14001, SA 8000);… nếu không nhận diện đúng và ứng phó linh hoạt, cơ hội vàng có thể thoát khỏi tầm tay", ông Mạc Quốc Anh dẫn chứng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA cho biết, nếu trước kia mô hình sản xuất của DN chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nhưng ngày nay, phương thức sản xuất số là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của DN và đây chính là điểm chuyển biến căn bản về tư duy và hành động. Trong kỷ nguyên của phương thức sản xuất số, việc ứng dụng các công nghệ mới nhất như AI vào kinh doanh sản xuất ngày càng trở thành yếu tố then chốt.
“AI là xu thế tất yếu, đòi hỏi DN nhanh chóng thích nghi để duy trì lợi thế cạnh tranh. DN cần phổ cập AI trong quản trị để nâng cao hiệu suất, xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu và đẩy mạnh chuyển đổi số với nền tảng điện toán đám mây tích hợp AI. Cùng với đó, các DN cần rà soát liên tục và có kế hoạch ứng dụng AI vào từng quy trình sẽ giúp tối ưu hiệu quả vận hành và quản lý”, Tổng Giám đốc MISA nêu luận điểm.
Nếu doanh nghiệp không chịu đổi mới thì nguy cơ bị đào thải là rất lớn
Các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chính sách mở cửa hội nhập, tốc độ số hóa và lợi thế về dân số trẻ. Các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), Fintech, Edtech và công nghệ y tế là “mũi nhọn” tiềm năng đưa Việt Nam vươn cao trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.
Đứng trước Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, các chuyên gia tại tọa đàm cũng cảnh báo, nếu không hành động quyết liệt, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu. Bởi năng suất lao động hiện tại của Việt Nam mới chỉ bằng 62% của Thái Lan và 11% so với Singapore.
Ngoài ra, áp lực chuyển đổi Xanh, biến đổi khí hậu, dân số già hóa và sự phân hóa giàu - nghèo giữa đô thị và nông thôn tiếp tục là những thách thức lớn. Đáng chú ý khảo sát năm 2024 cho thấy, chỉ có khoảng 26% doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế, cho thấy dư địa cải thiện còn rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với các thị trường yêu cầu cao về môi trường, xã hội và quản trị DN (ESG).
Do đó, các tham luận tại tọa đàm cũng chỉ ra tầm nhìn phát triển quốc gia dựa trên ba trụ cột: Kinh tế tri thức và công nghiệp công nghệ cao; phát triển xanh và bền vững; văn hóa - con người và khát vọng vươn lên.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đại biểu Quốc hội khóa XV - cho hay, trong bối cảnh cải cách thể chế diễn ra mạnh mẽ, tạo cơ hội bứt phá vươn lên của doanh nghiệp nhưng việc này tạo áp lực cạnh tranh lớn nếu doanh nghiệp không chịu đổi mới thì nguy cơ bị đào thải là rất lớn.
Để hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường, Việt Nam xây dựng 3 đột phát chiến lược mới gồm: Đột phá thể chế, hoàn thiện nhà nước kiến tạo phát triển; Đột phá hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh 2021 - 2030 mở ra khung ưu đãi thuế carbon, tín dụng xanh, cơ chế PPA (mua bán điện trực tiếp) tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bứt tốc.
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp là “cỗ máy kiến tạo giá trị” và “tế bào” của nền kinh tế, ông Mạc Quốc Anh cho hay, doanh nghiệp, đặc biệt khu vực tư nhân, sở hữu 70% nguồn lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Do đó, nếu không đổi mới, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất mình. Cùng với đó, việc lan tỏa văn hóa kinh doanh chính trực với 3 chữ “Tín - Tâm - Minh bạch” sẽ là hộ chiếu đưa thương hiệu Việt ra biển lớn.
Theo TS. Mạc Quốc Anh, để hiện thực hóa khát vọng phát triển, Việt Nam cần hình thành một liên minh hành động rộng rãi, trong đó Chính phủ là “nhạc trưởng” kiến tạo chính sách, DN là chủ thể hành động, đổi mới. Ngân hàng, tài chính là nguồn lực phát triển; Viện nghiên cứu, trường Đại học là nơi cung cấp trí tuệ và giải pháp, người dân và cộng đồng là người tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời là lực lượng giám sát xã hội.
“Kỷ nguyên mới không chờ đợi chúng ta kịp thích ứng, nó chỉ gọi tên những ai dám ước mơ lớn và hành động quyết liệt. Hãy cùng nắm tay nhau, kiên định mục tiêu tăng trưởng bao trùm để “không một ai bị bỏ lại phía sau”, để mỗi đứa trẻ sinh ra tại Trường Sa, Mường Nhé hay Thủ đô Hà Nội đều được hưởng điều kiện phát triển tốt nhất”, TS. Mạc Quốc Anh mong muốn./.