Để xứng tầm 'rừng vàng' cần phải khai thác đa giá trị hệ sinh thái rừng

Với những tiềm năng hiện nay, giá trị của rừng phải cao gấp 10, gấp 100 lần nữa mới xứng đáng với 2 chữ “rừng vàng” và cái hồn của rừng có giá trị cao hơn nhiều cái cốt của rừng. Muốn làm được điều đó, cần thổi được hồn, đưa được những câu chuyện vào những sản phẩm từ rừng để tăng giá trị.

Trên đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại buổi tọa đàm “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam” vào chiều 04/4. Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả là cơ quan quản lý, chủ rừng cũng như các doanh nghiệp, tổ chức đang có hoạt động khai thác giá trị của rừng. Hội nghị diễn ra sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam" vào ngày 29/2 vừa qua.

phat-trien-rung-01-1712285093.jpg
Hiện nay, cả nước có 14,86 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 10,12 triệu ha, rừng trồng là trên 4,73 triệu ha. (Ảnh minh họa)

Tích hợp các giá trị phát triển rừng bền vững

Theo công bố mới đây của Bộ NN&PTNT, cả nước có 14,86 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 10,12 triệu ha, rừng trồng là trên 4,73 triệu ha. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tháng 2.2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án).

Một trong những mục tiêu của Đề án là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ. Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Đề án cũng đặt mục tiêu giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020 vào năm 2030 và tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được sản xuất dưới tán rừng chiếm tỷ trọng từ 10 - 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050 trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản.

Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng. Bên cạnh đó, Đề án đặt mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững; thu hút lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực có rừng…

phat-trien-rung-03-1712285140.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam”.

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, việc phát huy giá trị của rừng đã được thực hiện từ lâu nhưng đơn lẻ và đề án ra đời sẽ giúp quá trình này được thực hiện tổng quát hơn. Đồng quan điểm với Cục trưởng, Phó Cục trưởng Phạm Hồng Lượng cho rằng, điểm mới của đề án là tích hợp được đa giá trị trong phát triển kinh tế rừng. “Khi phát triển rừng bền vững, nhiều giá trị thì sẽ có nguồn lực để tái đầu tư cho bảo tồn và phát triển sinh kế cho người dân”, ông Lượng chia sẻ.

Trong khi đó, ở góc độ nhà khoa học, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, TS Trần Lâm Đồng cho rằng, việc trồng rừng gỗ lớn ở Việt Nam cần có những giải pháp về kỹ thuật, chính sách và tín dụng. Cũng theo ông Đồng, Việt Nam là quốc gia có nhiều giống gỗ phù hợp với trồng rừng, ví dụ như keo, có thể đảm bảo cho nhiều địa phương với tính chất thời tiết, địa chất khác nhau. Để có thể giúp người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn, một giải pháp hữu hiệu là phát triển kinh tế dưới tán rừng, trồng cây dược liệu ngắn ngày để đảm bảo thu nhập.

Phát triển đa dụng hệ sinh thái rừng

Tại buổi Tọa đàm, ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH hệ sinh thái The VOS cho biết, công ty thực hiện mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán keo lai tạo thu nhập cho người dân. “Thông thường, người dân trồng cây keo lai sau 5 năm là thu hoạch, nhưng nếu để đến 8 năm thì giá trị tăng gấp đôi. Trong 3 năm chờ gỗ lớn, người dân làm gì để sống? Giải pháp của chúng tôi là trồng nấm linh chi dưới tán keo lai, sau 4 tháng có thể thu hoạch, như vậy một năm có thể thu hoạch 3 lần. Theo tính toán, 1m2 trồng nấm linh chi mang về doanh thu 10 triệu đồng”, ông Lê Hoàng Thế nói.

Tại Đồng Nai, Công ty The VOS đã hợp tác với Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc triển khai dự án trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai với quy mô ban đầu khoảng 230ha. Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ về giống nấm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm… Tương tự, để khai thác giá trị đa dụng của rừng, bên cạnh việc phát triển các loài dược liệu dưới tán rừng như trồng cây xạ đen, kim ngân, bò khai, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang) còn cắt khúc gỗ keo lai, đem hấp rồi cấy nấm linh chi thành công.

phat-trien-rung-02-1712285180.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng rừng để phát huy giá trị đa dụng từ rừng.

Theo GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, tương lai của ngành gỗ không chỉ là chế biến, xuất khẩu gỗ mà nghiên cứu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng của rừng, tập trung vào các loài dược liệu, cây bản địa với những tính năng sinh học riêng biệt. Đó chính là một trong những con đường làm giàu bền vững từ rừng, bên cạnh khai thác các giá trị từ du lịch sinh thái rừng.

Tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tuyên Quang Mai Thị Hoàn cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đề ra mục tiêu cụ thể triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng có khó khăn nhất định. Đơn cử, việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng chưa có văn bản hướng dẫn.

Về phát triển du lịch sinh thái bền vững, hiện chưa xây dựng nguyên tắc cụ thể để các chủ rừng, chủ đầu tư làm căn cứ thực hiện; nhất là về quản lý, khai thác các sản phẩm du lịch liên quan đến rừng đặc dụng phòng hộ... Do đó, Sở đề xuất Bộ sớm ban hành quy trình phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng; xây dựng các nguyên tắc để chủ rừng, chủ đầu tư quản lý các sản phẩm du lịch liên quan…

Liên quan đến mục tiêu mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, bảo đảm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ nêu trong Đề án, ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng, đây là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, khi các nước cũng đang hạn chế xuất khẩu để phục vụ thị trường trong nước. Cả nước mới có khoảng 500.000 ha trồng gỗ lớn.

Tuy nhiên, ông khuyến cáo, không phải nơi nào cũng có thể phát triển gỗ lớn và loài nào cũng có thể phát triển thành gỗ lớn. Theo ông, Việt Nam rất phong phú về các loài keo, hoặc có nhiều loài bản địa rất tốt, nên cần lựa chọn được loài có thể phát triển thành gỗ lớn, ứng phó được thiên tai.

phat-trien-rung-04-1712285078.jpg
Phát triển tiềm năng kinh tế rừng găn kết với hoạt động du lịch. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan lấy câu chuyện người Phần Lan bán muối trên rừng và tăng giá trị bằng cách đưa các thảo dược vào muối. Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh về cách tiếp cận đa chiều để khai thác giá trị của rừng: “Kết nối giữa rừng với biển”.

Chia sẻ về góc độ đa dụng trong giá trị của hệ sinh thái rừng, ông Lê Minh Hoan cho hay, nếu chúng ta cứ khu biệt giá trị vào lâm sản thì sẽ sớm cạn kiệt, câu chuyện sẽ giống như thủy sản dưới biển.

“Chúng ta phải lùi ra xa để nhìn vào rừng, gắn được cấu trúc giá trị từ nhiều góc độ. Khi không gian giá trị được mở rộng thì ai cũng có được lợi ích, không còn xung đột và sẽ tìm cách để bảo vệ, phát triển rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

Trọng Bình