Để sản phẩm OCOP thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn

OCOP là những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc, có thương hiệu, mang đặc trưng về văn hóa vùng miền. Để nền kinh tế địa phương phát triển thì sản phẩm OCOP phải lớn mạnh, tương xứng với tiềm năng.
mo-hinh-trong-dua-vang-1704704623.jpg
Sản phẩm OCOP Dưa vàng Viên Hương đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ.

Được công nhận OCOP vẫn khó khăn trên thị trường

Ngày 24/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí và Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình nhằm phát triển ngành nghề, kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó ngành nông nghiệp nước nhà đã có hàng nghìn sản phẩm đạt chất lượng, trở thành quà tặng cấp quốc gia. Đây là kết quả rất đáng tự hào trong tái cơ cấu ngành, từ đó trở thành động lực thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tại Thanh Hóa, đây là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Sau 5 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đã tạo được bước chuyển biến rõ nét trong phát huy thế mạnh vùng miền.

Đến nay, toàn tỉnh có 448 sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm. Trong đó có 391 sản phẩm hạng 3 sao; 56 sản phẩm hạng 4 sao; 01 sản phẩm 5 sao. Chỉ tính riêng năm 2023, Thanh Hóa đã công nhận thêm 156 sản phẩm.

Trong đó có 23 sản phẩm xuất khẩu, như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Đức, Mỹ; Dứa, ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng, đã xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia…

dsc06204-1704704888.JPG
Sản phẩm OCOP Yến Sào Xứ Thanh, một trong những sản phẩm xuất khẩu của Thanh Hóa

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, một số cơ quan đơn vị và chủ thể sản xuất chưa hiểu được hết tầm quan trọng của sản phẩm khi được công nhận là sản phẩm OCOP, cũng như giá trị thực sự tạo nên thương hiệu của sản phẩm mang lại để từ đó tập trung xây dựng nên một chuỗi sản xuất phát triển bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao.

Từ đó dẫn đến sản phẩm OCOP sau khi được công nhận phần lớn vẫn chưa thể “phủ sóng” để trở thành sản phẩm kinh tế mũi nhọn của vùng miền, cạnh tranh với các sản phẩm ở địa phương khác như đã kỳ vọng.

Thậm chí, có những sản phẩm, sau nhiều lần nỗ lực “nâng sao” cho sản phẩm xong thì chủ thể lại đối mặt với nguy cơ tạm dừng sản xuất, do chi phí cao dẫn đến sản phẩm không đủ cạnh tranh với sản phẩm thường. Ngoài ra, một số chủ thể còn đối mặt với những khó khăn về vùng nguyên liệu để sản xuất.

Bà Lương Thị Nông, Chủ nhiệm HTX nông lâm Chung Thành chia sẻ: “HTX chúng tôi có sản phẩm OCOP là gạo nếp Cay Nọi được nhiều người tin dùng, đặc sản phẩm và hợp tác sản xuất. Tuy nhiên đây là sản phẩm nếp nương, mỗi năm 1 vụ nên rất khó khăn trong việc mở rộng vùng trồng nguyên liệu”.

Để OCOP trở thành sản phẩm mũi nhọn

Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các chủ thể tham gia. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP thì sẽ được hỗ trợ kinh phí là 75 triệu đồng để giúp các chủ thể hoàn thiện các công tác như: Nhãn mác, bao bì, tem, video quảng cáo…

Có thể thấy, hiệu quả từ Chương trình OCOP không chỉ góp phần giúp các nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm phong phú trên thị trường; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách tổng thể về sự phát triển của các sản phẩm OCOP, thì phần lớn các sản phẩm vẫn chưa thoát được “vỏ bọc” của các sản phẩm thông thường, chủ sản phẩm vẫn phải loay hoay tìm kiếm hướng đi.

z4862697718368-35ce82692572e2c270f8ea4b321cc21a-1704705114.jpg
Triển lãm, hội chợ là cơ hội để sản phẩm OCOP quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện một hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chính quyền nên tập trung tìm cách liên kết các vùng sản xuất nguyên liệu từ đó tạo nên chuỗi giá trị lớn mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường, khi đó mới chứng nhận là sản phẩm OCOP. Vì phần lớn các sản phẩm được công nhận là của các hộ kinh doanh, hoặc một số HTX nên việc quy hoạch vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất đến thời điểm này còn gặp không ít khó khăn.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ngoài sự năng động, sáng tạo của các chủ sản phẩm trong áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới, đa dạng sản phẩm, quảng bá, tìm kiếm thị trường, một yếu tố không thể thiếu đó là sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền các cấp.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 120 sản phẩm OCOP. Để mở lối cho các sản phẩm OCOP, tỉnh Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tham gia vào các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

Xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể, HTX ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao.

Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, kết nối thị trường. Rà soát, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để không ngừng nâng cao chất lượng của các sản phẩm OCOP đáp ứng các nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu…

Có như vậy thì Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mới tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất, góp phần phát triển kinh tế vùng miền./.

Hà Khải