Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng, chia sẻ rằng Phiên chợ này được tổ chức để chào mừng thành công của Đại hội Đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028, và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Đồng thời, sự kiện còn hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2023.
Theo tìm hiểu, Phiên chợ bao gồm nhiều hoạt động chính như trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm nông nghiệp, tổ chức Hội thi "Tiếng hát nông dân", và các trò chơi nhỏ có sự tham gia đông đảo của các cán bộ và hội viên nông dân trong thành phố.
Với sự tham gia của 27 gian hàng từ Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, Trung tâm Công nghệ sinh học, 7 quận, huyện, Hội Nông dân huyện Tây Giang, và nhiều tổ chức khác, Phiên chợ không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm OCOP mà còn là cơ hội để những doanh nghiệp, hợp tác xã, và các hộ nông dân quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang, nêu rõ rằng mục đích của Phiên chợ là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, và truyền thông về an toàn thực phẩm cho hội viên nông dân, đồng thời đề cao vai trò và trách nhiệm của họ trong các hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu dùng các sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Bông, chủ cơ sở sản xuất Kiệu hương Hòa Nhơn, (xã Hòa Nhơn) chia sẻ niềm vui khi có cơ hội quảng bá sản phẩm một cách sâu sắc hơn tại thị trường địa phương. Ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú, nhấn mạnh rằng đây là dịp để các cấp lãnh đạo sở, ban ngành tiếp tục hỗ trợ nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp xanh, có giá trị cao mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Dừng chân trước gian hàng nông sản, thực phẩm chế biến xã Hòa Phú với nhiều sản phẩm đặc trưng. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú cho hay, đến tham dự Hội chợ lần nầy, xã Hòa Phú trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của xã vùng cao của huyện Hòa Vang như: Dưa lưới, bưởi da xanh, cam đường, chuối tiêu, rượu cần Phú Túc, măng ngọt và các sản phẩm chế biến từ măng; các loại đậu, tiêu khô, trứng gà ta, mật ong thiên nhiên…Trong đó có sản phẩm Dưa lưới Afram và Rau ăn lá Afram đạt OCOP-4 sao và Bánh tráng Đại Cường và Rượu cần Phú Túc đã đạt OCOP-3 sao…
Chúng tôi rất ấn tượng khi dừng chân trước quầy trưng bày “nông sản, thực phẩm, dược liệu”của Hội Nông dân huyện Tây Giang (Quảng Nam) bởi những sắc màu truyền thống dân tộc Cơ Tu. Trao đổi với chúng tôi, anh Riáh Ka (52 tuổi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Giang) cho hay, đến với phiên chợ dịp này chúng tôi mang theo khoảng 30 mẫu mã nông sản, thực phẩm, dược liệu từ Tây giang, trong đó có 5 sản phẩm đạt Ocop.
Cô Bríu Thị Lệ, thành viên bán hàng cho hay, những sản phẩm chủ lực của Tây Giang gồm có cam bản địa (35.000/kg), măng khô (250.000 đồng/kg), măng tươi (40.000 đồng/kg), gạo có 7 loại bình quân giá 50.000 đồng/kg; Các loại dược liệu như: Khổ qua rừng, ngọc cẩu khô, nấm hồng chi, mật ong; các loại sâm, các loại gia vị… Mục tiêu của chúng tôi chính là quảng bá các sản phẩm từ núi rừng Tây Giang đến với người tiêu dùng ở đồng bằng với nguồn sản phẩm rẻ, an toàn, chất lượng…
"Phiên chợ cũng là hoạt động quan trọng kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ nông dân trên địa bàn quảng bá thương hiệu, trưng bày và giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đồng thời, nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua Phiên chợ này, chúng tôi mong muốn hội viên nông dân và doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường."- Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng chia sẻ.
Một số hình ảnh tại phiên chợ: