Đẩy nhanh dán thẻ thu phí không dừng

Hiện nay, việc dán thẻ ETC đang được khẩn trương thực hiện để sẵn sàng thí điểm 100% thu phí không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 1/6 tới đây.

Hiện nay, tại tất cả các điểm ra và vào trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị dán thẻ thu phí tự động luôn bố trí nhân viên để hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho lái xe khi dán thẻ thu phí tự động.

Theo đơn vị cung cấp dán thẻ thu phí tự động không dừng, trường hợp xe đến trạm thu phí nhưng chưa dán thẻ hoặc thẻ bị hỏng sẽ có nhân viên túc trực tại chỗ để dán lại ngay. Trường hợp xe hết tiền cũng sẽ có nhân viên hỗ trợ nạp tiền ngay.

Thời gian tới, đơn vị quản lý cao tốc sẽ tăng cường thêm các biển báo, pano, áp phích tuyên truyền để người dân hiểu được khi chính thức thí điểm thu phí không dừng 100% trên tuyến, xe không đủ điều kiện sẽ không được lưu thông.

"Theo quy định, chúng ta sẽ được miễn phí đến 31/12/2021, tuy nhiên từ 1/1/2022 đến nay, VETC đang áp dụng dán thẻ miễn phí cho các khách hàng và có thể trong thời gian tới vẫn áp dụng miễn phí", ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết.

thu-phi-khong-dung-cao-toc-ha-noi-hai-phong-225-16531886585661594596737-1653208515.jpg

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: VGP).

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết, hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) được triển khai từ năm 2015, đến nay cả nước mới có 575 làn thu phí không dừng trong 118 trạm thu phí, chiếm 70% tổng số làn cần lắp đặt ETC. Tỷ lệ dán thẻ nhận diện khoảng 57% tổng số phương tiện.

Là đơn vị thực hiện dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) với 35 trạm trên các quốc lộ, Công ty Thu phí tự động VETC gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu triển khai. Quy định ban đầu là đơn vị BOT giao lại thiết bị, nhân lực tại trạm thu phí cho đơn vị BOO thực hiện nên doanh nghiệp BOT không mặn mà với loại hình thu phí mới mẻ này, e ngại mất quyền thu phí và sẽ giảm việc làm của người lao động tại các trạm.

Lý do khác là dự án đang bị sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến phương án tài chính. Một số trạm BOT có doanh thu thu phí đạt thấp, thậm chí có trạm bị người dân phản đối nên phải dừng. Do đó, các doanh nghiệp không muốn đầu tư thêm hệ thống thu phí không dừng và phải trích lại phí cho đơn vị thu, mức phí từ 2 đến 7% doanh thu tùy thuộc lưu lượng xe và chi phí đầu tư.

Công tác lắp đặt ETC chậm chễ còn do tiềm lực tài chính của Công ty Thu phí tự động VETC yếu kém. Chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ chi phí khiến phương án tài chính của dự án bị vỡ trong giai đoạn 2018-2020, ngân hàng dừng cấp tín dụng. VETC từng đề nghị trả lại dự án cho Bộ Giao thông Vận tải, công tác lắp đặt hệ thống ETC tại trạm và dán thẻ cho phương tiện bị ảnh hưởng.

Sau 7 năm triển khai, VETC mới dán thẻ không dừng cho hơn một triệu trong số 3,5 triệu xe trong cả nước, không phát huy được hiệu quả thu phí không dừng tại các dự án BOT.

Trong rất nhiều lý do để các lái xe không "mặn mà" với thu phí không dừng, lý do lỗi thẻ không dừng xảy ra khá phổ biến. Nhiều xe bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, barie không mở mà vẫn trừ tiền, thẻ không tích hợp nếu đi qua trạm của đơn vị cung cấp dịch vụ ETC khác. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải thường xuyên xử lý thẻ bị lỗi, rà soát lỗi phát sinh của phần mềm và kết nối giữa các bên cung cấp dịch vụ.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam phân tích, phương tiện thanh toán không tiện lợi gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Những doanh nghiệp có nhiều đầu xe phải nạp số tiền không nhỏ vào tài khoản giao thông và khoản tiền này bị tồn đọng trong tài khoản nếu chủ xe không sử dụng.

Doanh nghiệp vận tải đã đề nghị có giải pháp tích hợp trả phí tự động qua tài khoản ngân hàng thay vì trả qua tài khoản giao thông của đơn vị cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đơn vị dịch vụ thu phí không phải tổ chức tín dụng nên không được trả lãi cho số tiền của chủ xe trong tài khoản giao thông. Các ngân hàng vì lý do bảo mật nên không cho phép trừ tiền phí trực tiếp từ tài khoản ngân hàng.

Hà Anh (t/hh)