Đẩy mạnh kết nối, giao thương với doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực công nghiệp

Hiện nay, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại. Từ năm 2016, với việc nâng cấp quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế là một trong những mục tiêu chiến lược của hai nước.
1-1721361286.jpg
Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 60 lần, từ 200 triệu USD (năm 2000) lên trên 14,36 tỷ USD (năm 2023) đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 giữa hai nước ước đạt 7,18 tỷ USD. Riêng ở cấp độ địa phương, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Ấn Độ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 240 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt ngành cơ khí, điện, điện tử, công nghệ số và năng lượng kết nối trao đổi với các doanh nghiệp Ấn Độ về kinh nghiệm, kỹ thuật, cập nhật công nghệ mới đồng thời đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Ấn Độ, ngày 18/7/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) và Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa Doanh nghiệp Ấn Độ và Doanh nghiệp Việt ngành Cơ khí, Điện, Điện tử, Công nghệ số và Năng lượng. 

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục & đào tạo của Việt Nam; đóng góp khoảng 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước. Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học & công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

2-1721361337.jpg
Ông Rohit Sharma - Trưởng phòng ASEAN và Châu Đại Dương Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh:  “Ấn Độ luôn là đối tác chiến lược về thương mại của Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Ngành cơ khí, điện, điện tử, công nghệ số và năng lượng là một trong những ngành có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của hai nước. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng phát triển ngành này và đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác theo hướng hiệu quả hơn”.

“Hội nghị lần này nhằm tập trung kết nối giao thương vào các ngành hàng bao gồm: Sơn màu và hóa chất, dịch vụ, quản lý chất thải, thiết bị bê tông; cung cấp giải pháp hoàn thiện thiết bị bê tông, hạ tầng; năng lượng; năng lượng mặt trời; đường sắt; xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng; và vận tải đường sắt”, ông Đào Minh Chánh cho biết thêm.

Ông Trần Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Xúc tiến Thương mại Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) chia sẻ: “HAMEE có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa và năng lượng tại TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Với những thuận lợi như có vị trí chiến lược ở Châu Á, lực lượng lao động trẻ, thị trường lớn, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trên các các lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước”.

3-1721361372.jpg
Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc ITPC cùng các đại biểu tham quan các gian hàng của doanh nghiệp Ấn Độ trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ Hội nghị.

Ông Rohit Sharma - Trưởng phòng ASEAN và Châu Đại Dương Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) cho biết: “Việt Nam và Ấn Độ còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường hai nước rộng lớn, trong đó có ngành cơ khí, điện - điện tử, công nghệ số và năng lượng. Với nỗ lực của hai bên trong tìm hiểu nhu cầu thị trường, gắn kết doanh nghiệp, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước”.

ITPC hy vọng qua hội nghị, doanh nghiệp hai nước sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng và các cơ hội hợp tác kinh doanh - xuất nhập khẩu mới tại thị trường hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia nói chung cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Ấn Độ và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng./.

Đạm Quang Lê