Đầu tư vàng 1 năm trước bây giờ lãi được bao nhiêu tiền?

Giá vàng từ đâu năm đến nay không ngừng tăng mạnh, liên tục phá vỡ các đỉnh giá đã xác lập trước đây, gần đây thậm chí có điểm bán vàng còn hạn chế số lượng vàng được mua trong một ngày của khách hàng. Lý do gì hấp dẫn người dân đầu tư vào vàng?
gia-vang-mieng-tang-cao-1-1715166847.jpg
Người dân xếp hàng mua vàng. Ảnh: Báo Dantri.

Thử làm bài toán đầu tư vàng

Nếu đúng ngày này năm trước nhà đâu tư có 1 tỷ đồng và đầu tư vào vàng miếng 999 của SJC thì có thể mua được xấp xỉ 15 lượng vàng miếng với giá vàng của SJC lúc bấy giờ bán ra là 66,9 triệu đồng/lượng.

Chiến lược đầu tư đơn giản, mua vàng và nắm giữ đúng 1 năm thì bán ra, hiện thực hóa khoản đầu tư thì đến hôm nay, ngày 8/5/2024, nhà đầu tư bán 15 lượng vàng sẽ nhận được số tiền khoảng 1,278 tỷ đồng với giá mua vào ngày hôm nay là 85,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, với khoản đầu tư 1 tỷ đồng mua vàng sau 1 năm hiện thực hóa khoản đầu tư thì có thể thu được lợi 278 triệu đồng, tương tương đương mức lợi suất khoảng 28%/năm. Mức lợi suất này ít ngành nào có thể cạnh tranh được.

Cùng thời điểm này 1 năm trước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng Vietcombank ở mức 7,2%/năm đối với khách hàng cá nhân, lĩnh lãi cuối kỳ thì đến nay nhà đâu tư có thể hiện thực hóa khoản đầu tư thu về tổng số số tiền gốc và lãi là 1.072 triệu đồng, với mức lãi suất đạt được 7,2%/năm thấp hơn khá nhiều so với đầu tư vào vàng.

dau-tu-vang-khi-gia-vang-tang-cao-1715167224.png

Thị trường vàng thế giới

Theo báo cáo mới đây về xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council) trong quý 1 năm 2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu (bao gồm lượng mua vào của thị trường phi tập trung OTC) tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.238 tấn, đánh dấu quý 1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Không tính thị trường OTC, nhu cầu vàng giảm 5% xuống còn 1.102 tấn trong quý 1 so với cùng kỳ năm 2023.

Sự đầu tư vàng mạnh mẽ từ thị trường OTC, sức mua liên tục của ngân hàng trung ương và sự gia tăng mua vàng từ các khách hàng Châu Á đã đẩy giá vàng trung bình hàng quý lên mức cao kỷ lục là 2.070 USD/ounce - cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 5% so với cùng kỳ quý trước.

Các ngân hàng trung ương tích cực mua thêm vàng, bổ sung thêm 290 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý 1. Hoạt động mua vào liên tục và với khối lượng lớn của khối ngân hàng chính thống nhấn mạnh tầm quan trọng của vàng trong danh mục tài sản dự trữ quốc tế trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và rủi ro gia tăng.

Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý 1 kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý 1.

Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục là 650 USD/ounce. Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, đồng thời Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường vào cuối tháng 4.

Theo bà Louise Street - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại kể từ tháng 3/2024, bất chấp những lực kéo thường thấy là giá đồng USD cao và lãi suất đang cho dấu hiệu tăng trở lại.

Một số yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng vọt như: Rủi ro địa chính trị gia tăng, bất ổn kinh tế vĩ mô đẩy nhu cầu tìm đến vàng như tài sản lưu trữ an toàn. Ngoài ra, nhu cầu mua vàng liên tục và ồ ạt từ các ngân hàng trung ương, sự đầu tư mạnh mẽ của thị trường OTC và lượng vàng mua ròng trên thị trường phái sinh đều góp phần đẩy giá vàng tăng cao.

gia-vang-tang-cao-3-1715167346.jpg
Thực tế chứng khoán biến động thất thường, bất động sản khó khăn và lãi suất tiền gửi thấp khiến nhà đầu tư dồn tiền vào vàng như kênh trú ẩn an toàn, thanh khoản dễ dàng. Ảnh minh họa.

Thị trường vàng trong nước

Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, phá vỡ các kỷ lục trước đó. Diễn biến của giá vàng trong nước có mức chênh lệch lớn so với giá vàng trên thế giới.

Đáng chú ý, vàng miếng SJC vừa thiết lập chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, xác lập đỉnh lịch sử 87,5 triệu đồng/lượng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp thị trường thông qua đấu thầu vàng.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày hôm nay 8/5 có 3 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô (3.400 lượng vàng).

Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng. Như vậy, đã có 3.400 lượng vàng miếng SJC được đấu thầu thành công trong tổng số 16.800 lượng được NHNN đem ra đấu giá.

Đây là phiên đấu giá thành công thứ hai trong tổng số 4 phiên đấu giá. Tổng số lượng vàng đấu giá thành công sau hai phiên này là 6.800 lượng.

Trước đó, trong lần đấu giá thành công trước đó vào hôm 23/4, đã có 2 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng). Giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng có hạ nhiệt, nhận định của các chuyên gia

Chia sẻ trên báo Tiền phong, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đánh giá, giá vàng hiện tại tăng một phần do Ngân hàng Nhà nước đấu thầu nhưng đưa ra giá cọc vẫn cao. Có thể cơ quan quản lý chưa muốn bán giá thấp. Có thể càng bán thấp, cầu càng tăng sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ cũng như áp lực lên tỷ giá VND/USD. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lo ngại giá vàng thời gian tới giảm nên chưa tham gia đấu thầu vàng nhiều. Vì chưa tham gia nên nguồn cung trên thị trường vẫn hạn chế, vì thế, giá vàng trên thị trường càng cao.

Ông Độ nhận định: “Ổn định giá vàng là bài toán đánh đổi. Cung nhiều vàng với giá thấp ra sẽ ổn định lại giá thị trường nhưng mất ngoại tệ. Có thể Ngân hàng Nhà nước muốn giá vàng giảm từ từ. Thời gian tới, giá vàng thế giới có xu hướng giảm, khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới sẽ giảm đi”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mục tiêu đấu thầu vàng miếng của NHNN là đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông, góp phần bình ổn cung cầu, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như thu hẹp chênh lệch giữa giá mua và giá bán.

Nhưng để ổn định giá vàng, NHNN phải tổ chức rất nhiều phiên đấu thầu và những phiên đấu thầu đó phải làm tốt chức năng đưa một lượng vàng lớn đổ vào thị trường. Đồng thời, phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Vị chuyên gia kinh tế đánh giá vàng vẫn là kênh đầu tư hút tiền trong bối cảnh hiện nay. Với nhà đầu tư, lợi nhuận chỉ là một phần động cơ khiến họ xuống tiền. Thực tế chứng khoán biến động thất thường, bất động sản khó khăn và lãi suất tiền gửi thấp khiến nhà đầu tư dồn tiền vào vàng như kênh trú ẩn an toàn, thanh khoản dễ dàng.

"Lợi nhuận của vàng hiện dao động khoảng 10%, cũng là mức sinh lời rất tốt", ông Hiếu cho biết thêm.

Đâu là giải pháp cho thị trường vàng

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ở góc độ thị trường, về lâu dài, việc xóa độc quyền vàng miếng SJC vẫn là giải pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với các loại vàng khác, cũng như giữa giá vàng SJC với giá quốc tế.

Khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp, giá vàng SJC còn tăng và mức chênh lệch so với giá thế giới lên cao, cộng chênh lệch mua - bán là rủi ro lớn cho người mua.

Chuỗi hệ luỵ khi chênh lệch của vàng miếng SJC với thế giới quá cao tạo cơ hội cho hoạt động buôn lậu. Hiện tình trạng nhập khẩu vàng tiểu ngạch hay buôn lậu khiến những người đầu cơ phải "gom" USD ở thị trường tự do. Nhu cầu này lên cao kéo theo giá USD nhảy vọt, tác động đến tỷ giá hối đoái tại các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đấu thầu vàng miếng, có thể xem xét bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tạo sự công bằng cho tất cả sản phẩm vàng trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng đề xuất phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN. Cơ chế này cho phép nhà điều hành thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt.

Cách này giúp NHNN huy động nguồn lực đang nằm im trong dân. Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về lượng vàng tích trữ trong dân. Chỉ biết rằng theo con số ước tính của nhiều chuyên gia kinh tế, có thể lên tới 500 tấn vàng, thậm chí còn có ước tính lên tới hàng nghìn tấn.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên thành lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, theo đúng xu hướng của thế giới. “Số lượng vàng trong rất lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng để huy động được, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà chúng ta đề xuất là Sở giao dịch vàng”- TS. Trần Thọ Đạt đề xuất.

TS Trần Thọ Đạt cho rằng thời gian tới cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng do Sở giao dịch ban hành.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho hay, việc phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng đã thông dụng ở một số nước. Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ giúp người dân chỉ cần giữ “vàng giấy” đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch.

Ông Khánh cho rằng, khi có chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ bớt lệ thuộc vào vàng vật chất, người dân hay nhà đầu tư có nơi để gửi vàng vào sử dụng mua bán, giao dịch. Trong khi đó, có thể đưa được số vàng tích trữ đó của dân vào nền kinh tế, để lưu thông.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Ở khía cạnh cơ quan quản lý nhà nước, việc TCTD huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các TCTD để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn này. Trước tình hình đó, cuối tháng 11/2012, hoạt động huy động vàng của các ngân hàng đã bị chấm dứt, thay vào đó là chỉ giữ hộ vàng có thu phí. NHNN cũng cho rằng, việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.

Hơn nữa, trong bối cảnh vốn ngân hàng đang dư thừa hiện nay, việc đặt vấn đề huy động vàng là chưa cần thiết. Rủi ro huy động vàng có thể lớn hay nhỏ, tùy vào tình hình thị trường.

Câu chuyện thành lập sàn giao dịch vàng đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn còn “bỏ ngỏ” nên người mua vàng mang về nhà cất giữ thay vì gửi vào ngân hàng như trước đây. Cũng vì thế, một nguồn vốn trong xã hội chưa được khai thác, nằm im trong dân. Chưa kể, thị trường vàng có những diễn biến khó hiểu.

Do vậy, các chuyên gia có chung nhận định, trước mắt, việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết./.

(Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo)

Kim Ngọc (t/h)