Ngăn chặn lợi ích nhóm trong công tác đấu thầu thực hiện các công trình, dự án

Bài viết nghiên cứu hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đấu thầu, cùng với việc tìm hiểu, đúc rút từ thực tiễn các vụ án tham nhũng, vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu và đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm trong hoạt động đấu thầu.
dau-thau-1681209006.jpg
Hình ảnh minh họa

Theo quy định của Luật Xây dựng, hoạt động xây dựng gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật gồm công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang và công trình khác.

Hệ thống công trình hạ tầng xã hội gồm công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình khác.

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng là bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Khâu đặc biệt quan trọng trong hoạt động đầu tư xây dựng là việc lựa chọn nhà thầu thi công, cung cấp thiết bị cho công trình, dự án. Khâu đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có thể ảnh hưởng quyết định đến chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế (từ góc độ tiết kiệm chi phí) đối với công trình, dự án đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật đấu thầu 2013: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”

Có thể thấy, đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó, bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để bên bán (các nhà thầu) cạnh tranh nhau. Mục tiêu của bên mua là có được các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kĩ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể. Như vậy, bản chất của đấu thầu đã được xã hội thừa nhận như một sự cạnh tranh lành mạnh để được thực hiện một việc hay yêu cầu nào đó.

Từ đó có thể thấy, hoạt động đấu thầu có vai trò đảm bảo 4 nội dung: Hiệu quả – cạnh tranh – công bằng – minh bạch. Hiệu quả có thể về mặt tài chính hoặc về thời gian hay một tiêu chí nào khác tùy thuộc vào mục tiêu của dự án. Muốn đảm bảo hiệu quả cho dự án phải tạo điều kiện cho nhà thầu cạnh tranh công khai ở phạm vi rộng nhất có thể nhằm tạo ra sự công bằng, đảm bảo lợi ích cho các bên. Với các dự án có tổng đầu tư lớn, có giá trị về mặt kinh tế hoặc xã hội thì công tác đấu thầu là một khâu quan trọng không thể thiếu và đấu thầu phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước hoặc tổ chức tài chính cho vay vốn.

Đấu thầu mang lại lợi ích to lớn đối với chủ đầu tư, nhà thầu và nền kinh tế quốc dân nói chung. Công tác đấu thầu được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ xây dựng, mua sắm thiết bị, thực hiện dự án… Đặc biệt trong lĩnh vực công, đấu thầu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng, hạn chế và loại trừ được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn ngân sách nhà nước.

Đấu thầu tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các đơn vị xây dựng. Đây là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng nước ta và tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ xây dựng, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.

Từ đó vừa phát triển các ngành sản xuất theo hướng chuyên môn hóa sâu và hợp tác hóa, đồng thời phát triển thị trường đấu thầu. Thông qua đấu thầu đã phát triển được thị trường người bán, nhiều doanh nghiệp nhà thầu lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới hoặc đặt chân vào thị trường đấu thầu, kích thích thị trường trong nước phát triển chống được sự độc quyền tự nhiên. Bên cạnh đó, hoạt động đấu thầu góp phần tạo động lực cho sự phát triển nhờ tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả và thúc đẩy cạnh tranh các hoạt động mua sắm bằng nguồn vốn của Nhà nước cho các công trình công cộng.

Đầu thầu là một công cụ quan trọng giúp Chính phủ, Chủ đầu tư quản lý chi tiêu, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí. Luật Đấu thầu, cùng với pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, pháp luật về tham phòng - chống tham nhũng tạo thành công cụ hữu hiệu để chống lại các hành vi gian lận, tham nhũng và lãng phí trong việc chi tiêu các nguồn tiền của Nhà nước, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội nhờ thực hiện các hoạt động mua sắm theo đúng luật pháp của Nhà nước.

Mặc dù, hệ thống pháp luật về đấu thầu của nước ta đã được thường xuyên sửa đổi, cập nhật và hoàn thiện qua thời gian, thế nhưng vẫn tồn tại kẽ hở để một số người có chức vụ, quyền hạn, doanh nghiệp khai thác, tận dụng để thu lợi bất chính. Điển hình như các vụ án lớn được cơ quan chức năng khởi tố bị can và đưa ra xét xử trong thời gian gần đây là: Vụ Việt Á, CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội,... các vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trong đó có vụ mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, vụ việc liên quan đến gói thầu "Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội", hay như vụ mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh liên quan đến cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn; các vụ án liên quan đến các bị can ở Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện biên do có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng;...

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu là do nhiều cá nhân, đơn vị thiếu công khai minh bạch thông tin đấu thầu; có mục đích vụ lợi, cùng nhau thông đồng, cấu kết; không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đấu thầu; hệ thông pháp luật về đấu thầu còn sơ hở; công tác mời thầu, nhận hồ sơ thầu, chấm thầu, kiểm soát trong quá trình tổ chức đấu thầu còn thiếu chặt chẽ. Hiện tượng lợi ích nhóm, bao che cho hành vi tiêu cực, thông thầu, cản trở nhà thầu lạ,... vẫn tồn tại. Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu chưa được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương. Một bộ phận cán bộ, lãnh đạo nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi thông qua việc tổ chức đấu thầu.

Một số khuyến nghị, đề xuất nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm trong công tác Đấu thầu:

(i) Tổ chức tổng kết, đánh giá Luật đấu thầu, Luật giá và pháp luật có liên quan để khẩn trương điều chỉnh các quy định hiện hành nhằm khắc phục các lỗ hổng pháp lý mà các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để trục lợi trong thời gian qua.

(ii) Tăng cường tính công khai, minh bạch về thông tin hoạt động đấu thầu; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia hoạt động đấu thầu nếu có sản phẩm, hàng hóa dịch vụ phù hợp.

(iii) Tăng cường cơ chế giám sát nội bộ tại các cơ quan, đơn vị; đồng thời mở rộng cơ chế giám sát của xã hội, cộng đồng, người dân và các tổ chức xã hội, đặc biệt là giám sát của báo chí đối với các hoạt động đấu thầu.

(iv) Xây dựng bộ tiêu chí nhận diện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu, để cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, cũng như Nhân dân dễ dàng phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu.

(v) Tăng cường chất lượng công tác xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước./.

Trường Giang