Một số giải pháp nâng cao đạo đức công vụ
Khi Việt Nam đã ký kết, thực hiện nhiều hiệp định song phương và đa phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các khu vực, đòi hỏi một sự chuyển đổi với nhiều thách thức và thời cơ đan xen mà trước hết là vị trí, vai trò mới của đội ngũ cán bộ, công chức trong quản trị nhà nước.
Yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ quản trị mới tương ứng với các chuẩn mực đạo đức mới hình thành, cần một hệ thống giải pháp tổng thể, với bước đi phù hợp với quá trình hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa theo mục tiêu của cải cách hành chính nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị.
Gần 35 năm đổi mới, mặc dù đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, song còn nhiều hạn chế trong cải cách thể chế, trong hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật tương ứng, trong xây dựng đội ngũ nhân lực công có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức có đủ đức - tài đáp ứng thời kỳ phát triển mới. Tính chuyên nghiệp, kỹ năng, sự thành thạo của đội ngũ công chức là thách thức lớn trong phát triển.
Những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng tràn lan từ cao tới thấp, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, sự vô cảm... cũng đặt ra yêu cầu có giải pháp tổng thể cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mới đủ năng lực, trình độ, “tài - đức” quản trị đất nước trong thời kỳ mới. Một số giải pháp cơ bản cần được ưu tiên để nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức trong thời gian tới là:
- Nghiên cứu nền tảng lý luận, triết học về các giá trị đạo đức, đạo đức xã hội làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng khung lý thuyết về đạo đức xã hội mới, về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.
- Nghiên cứu hình thành mô hình tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, trên cơ sở đó hình thành các tiêu chí của bộ máy hành chính mới, tiêu chí năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức mới của đội ngũ cán bộ, công chức.
- Hình thành pháp luật về đạo đức công chức thực thi công vụ hay cần có một luật về công chức - công vụ.
- Công chức khi thực thi công vụ mới phải tuân thủ các chuẩn mực vừa mang tính đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, những chuẩn mực quy định mang tính pháp luật của nhà nước trong mối quan hệ tổng hòa giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với nhà nước trên cơ sở hài hòa quyền và lợi ích. Do đó, nguyên tắc pháp luật về đạo đức công vụ xây dựng trên nguyên lý: Pháp luật bắt buộc - nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp - nguyên tắc đạo đức xã hội (các quy tắc ứng xử của công chức trong thực thi công vụ, thể hiện văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng, nêu gương trong ứng xử xã hội).
- Rà soát lại và bổ sung các quy định trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, đồng thời nghiên cứu xây dựng Luật Công chức - công vụ.
- Đề cao vai trò đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ. Kinh nghiệm từ các nền công vụ tiên tiến trên thế giới, trong các trường đào tạo, huấn luyện công chức đều có chương trình huấn luyện công chức, từ việc ứng xử trong quan hệ công chức với người dân tới thái độ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính nhà nước, từng bước theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, xây dựng nền công vụ phục vụ, lấy thước đo hiệu quả bằng sự hài lòng của người dân, coi đó là công cụ, tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ.
- Xây dựng các thể chế tổ chức và hoạt động công vụ theo mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, quản lý nhà nước bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây là cơ sở để đẩy lùi tính vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí một cách chủ động, tích cực, hiệu quả.
Huy động sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội vào công việc nhà nước, giám sát, phản biện xã hội một cách thiết thực đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
- Đề cao vai trò làm gương của người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Giáo dục công chức bằng hình thức nêu gương, tôn vinh các giá trị, các công chức thực thi công vụ có trách nhiệm, tận tâm, nhanh chóng, hiệu quả, nhất là các tấm gương “Cần - Kiệm - Liêm - Chính; Chí công - Vô tư” dưới nhiều hình thức.
- Chú trọng, khuyến khích tự đào tạo, tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức trong một xã hội học tập, trong nền kinh tế tri thức../.